3 lý do khiến các "đại gia" điện thoại đổ xô đi làm ô tô điện

Trường Thịnh

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, việc Vingroup quyết định để VinSmart dừng mảng điện thoại, thiết bị điện tử và tham gia phát triển công nghệ cao cho xe điện VinFast là bước đi tiên phong đón đầu xu hướng vận động của thị trường công nghệ toàn cầu.

Thực tế, thế giới đang chứng kiến một trào lưu dịch chuyển từ smartphone sang mảng ô tô điện của những tên tuổi lẫy lừng như Apple, Sony, Samsung, Huawei, Xiaomi, Oppo…

Thị trường smartphone đã bão hòa

Năm 2020, doanh số smartphone toàn cầu ghi nhận sự sụt giảm kỷ lục, 8,8%, theo báo cáo của Digitimes Research. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tiêu thụ smartphone toàn cầu lao dốc thảm hại, từ hơn 1,8 tỷ thiết bị năm 2018 xuống chỉ còn 1,2 tỷ thiết bị năm 2020.

Trong bức thư gửi các nhà đầu tư trong ngày đầu năm mới 2019, CEO Apple - Tim Cook - nêu rõ, iPhone từng tăng trưởng liên tục trong thời gian dài, nhưng cũng giống như máy tính để bàn, sản lượng smartphone cuối cùng cũng đã đạt đến ngưỡng phát triển và nhu cầu dành cho chúng giảm dần.

3 lý do khiến các đại gia điện thoại đổ xô đi làm ô tô điện - 1

Cùng với Apple, Samsung - nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới - cũng đang phải vật lộn với cuộc chiến thị phần. Nhu cầu mua giảm sút mạnh tới mức gã khổng lồ trong ngành phải xem xét "khai tử" dòng Galaxy Note vốn được xem là thế mạnh.

"Đồng hương" Hàn Quốc của Samsung là LG dù đã nỗ lực thay đổi nhưng cuối cùng vẫn phải đóng cửa mảng kinh doanh điện thoại di động hồi đầu năm 2021. Đừng quên, LG từng đứng thứ 3 về thị phần di động trên toàn thế giới ở thời điểm 2013, chỉ sau Samsung và Apple.

Nhiều người cho rằng thị trường smartphone trở nên bế tắc sau khi Covid-19 xuất hiện, nhưng thực tế không phải vậy! Nghiên cứu cho thấy, sức mua điện thoại thông minh đã có xu hướng giảm dần từ nhiều năm trước, khi người dùng có thói quen sử dụng thiết bị dài hơn và thị trường bước vào giai đoạn bão hòa do sự góp mặt của quá nhiều nhà sản xuất.

"Vòng đời smartphone đã tăng lên 2 -3 năm. Xu hướng này đang khiến thị trường gặp khó khăn", Roberta Cozza, nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Gartner, nhận định.

Điện thoại đã hết ngưỡng sáng tạo?

Khi Steve Jobs giới thiệu chiếc điện thoại thông minh đầu tiên vào năm 2007 bằng câu nói: "Một chiếc iPod, một chiếc điện thoại và một thiết bị giao tiếp Internet", ngành công nghiệp di động đã chấn động. Trước đó, không ai có thể hình dung được rằng những chiếc điện thoại lại có thể kỳ diệu đến vậy. Nhưng có lẽ chính Steve Jobs cũng không thể ngờ rằng, chỉ 10 năm sau, "phát minh chấn động" ngày nào giờ lại trở nên… bế tắc, không lối thoát.

3 lý do khiến các đại gia điện thoại đổ xô đi làm ô tô điện - 2

Anushka Bandara, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Công ty phát triển phần mềm và ứng dụng di động Elegant Media, cho rằng đổi mới trong ngành smartphone đã đi qua giai đoạn đỉnh cao. Trong 3 - 5 năm trở lại đây, người dùng liên tục chỉ trích về sự "tuyệt chủng" của những sáng tạo trong các sản phẩm smartphone mới lên kệ. Họ cũng dễ dàng đoán trước về những chiếc smartphone sẽ ra mắt vào năm sau. Đó cũng là lý do họ không còn động lực để nâng cấp chiếc smartphone của mình hàng năm.

"Nhiều năm trước, các tính năng mới của chiếc iPhone sắp ra mắt khiến người dùng háo hức và sẵn sàng xếp hàng chờ mua trước các cửa hàng của Apple. Bây giờ có ai thực sự biết sự khác biệt giữa iPhone năm nay và iPhone năm trước?", chuyên gia Bandara phân tích.

Hơn 10 năm trước, những chiếc smartphone đầu tiên ra đời đã thay đổi cách thức con người giao tiếp. Nhưng ngày nay, điện thoại thông minh không còn là tâm điểm công nghệ của thế giới khi không có những giá trị mới được bổ sung.

Smartphone có vẻ như đã hết ngưỡng phát triển, nếu chỉ bám chặt vào smartphone, các công ty công nghệ sẽ không thể tạo thêm đột phá. Và đó là lý do cho chuyển hướng ồ ạt của các hãng điện thoại hàng đầu, với đích đến là sản phẩm tương lai mang tên ô tô điện.

Công nghệ lõi trên smartphone là lợi thế phát triển ô tô điện

Ô tô điện không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển mà còn là những sản phẩm công nghệ cao đúng nghĩa. Ngoài nhiên liệu sạch, công nghệ trên xe điện thông minh bao gồm tự hành, trợ lý ảo với những sáng tạo vượt trội về trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối đa phương tiện, internet vạn vật (IoT) và đặc biệt là công nghệ pin - vốn bị hạn chế rất nhiều trên những chiếc smartphone "tí hon".

Sự xuất hiện của Tesla đã xóa nhòa ranh giới giữa công ty công nghệ và công ty ô tô. Thậm chí, một cuộc thảo luận đã bùng nổ trên Twitter, tranh cãi xem Tesla là một công ty công nghệ hay một công ty ô tô, điều gì làm nên sự tăng trưởng thần tốc của cổ phiếu Tesla - hơn 680% trong năm 2020? Câu trả lời là công nghệ.

Ngoài công nghệ tự hành, các hãng xe điện như Tesla đang tạo ra rất nhiều phần mềm, cung cấp cả một "vũ trụ" tiện ích, thông tin giải trí độc đáo vốn khó có được trên các xe động cơ đốt trong truyền thống, tạo nên một cuộc cách mạng trải nghiệm người dùng. Tesla và các hãng xe điện cũng là người đi đầu, tạo ra những thay đổi chưa từng thấy trong công nghệ pin, trạm sạc, năng lượng mặt trời…

"Công nghệ thông minh là một phần quan trọng của phương tiện giao thông và ô tô cũng là thiết bị thông minh quan trọng nhất trong cuộc sống của con người trong tương lai", Lei Jun, nhà sáng lập Xiaomi, nhận định.

3 lý do khiến các đại gia điện thoại đổ xô đi làm ô tô điện - 3

Kỷ nguyên xe điện mới bắt đầu và tiềm năng thị trường vẫn còn rất rộng lớn. Theo tính toán của các chuyên gia, ngay cả khi doanh số bán ô tô tổng thể không tăng, thị trường xe điện vẫn sẽ vượt quá 5 triệu chiếc vào năm 2025, gấp khoảng 5 lần số bán hiện tại.

Bloomberg dự báo đến năm 2040, tỷ lệ xe ô tô điện trong tổng số xe hơi bán ra có thể lên tới 54%. Trong khi đó, quy mô dự kiến của thị trường xe điện được dự đoán sẽ tăng vọt từ mức 162 tỷ USD năm 2019 lên hơn 802 tỷ USD vào năm 2027, theo Allied Market Research.

Các công ty công nghệ được đánh giá sẽ có lợi thế to lớn nếu bước vào thị trường xe điện đầy tiềm năng. Theo chuyên gia ô tô Lê Thọ Phú, sự chuyển đổi của các "đại gia" điện thoại thế giới như Apple, Xiaomi, Oppo hay VinSmart của Việt Nam tham gia vào lĩnh vực xe điện là hoàn toàn đúng đắn và là bước đi kịp thời để đón đầu xu hướng. Đặc biệt, các công ty có giá trị cốt lõi là công nghệ được cho là những nhân tố quan trọng nhất để thực sự đưa xe điện lên tầm "thông minh" đúng nghĩa.

"Khi các nhà sản xuất ô tô truyền thống bừng tỉnh thì kỷ nguyên xe điện đã bắt đầu từ lâu và những doanh nghiệp tiên phong, thức thời đã đi được rất xa", ông Phú nhận định.

Từ đây, người ta có thể suy đoán được tầm nhìn của Vingroup khi phát triển đồng thời cả điện thoại thông minh lẫn ô tô với tốc độ chóng mặt. Phải chăng đây mới là sứ mệnh thực sự của VinSmart, không phải dừng lại ở những sản phẩm nhỏ bé như điện thoại hay tivi, mà chính là tìm mọi cách làm chủ công nghệ lõi thông minh để Vingroup chuẩn bị cho tầm nhìn trở thành "hãng ô tô điện thông minh toàn cầu" mà họ đã ấp ủ từ lâu!