3 lực lượng không quân 'đáng gờm' nhất châu Á

Không quân đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột tại khu vực châu Á kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Từ chiến tranh Triều Tiên tới các cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan, các lực lượng không quân đều góp phần không nhỏ tạo thế cân bằng chiến lược của cuộc chiến.

Nhưng một lực lượng không quân hiệu quả cần phải có nhiều thứ hơn ngoài những chiếc máy bay chiến đấu “hào nhoáng”. Họ cần phải có máy bay vận tải có thể cung cấp một cầu hàng không chiến thuật và chiến lược, các máy bay cảnh báo sớm (AEW) để có thể duy trì sự giám sát và kiểm soát trên bầu trời, và cần một căn cứ công nghiệp-quốc phòng có thể giúp các máy bay hoạt động trên trên không.

Theo Giáo sư Robert Farley tại trường Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson (Mỹ), hiện có 3 lực lượng không quân hùng mạnh nhất ở châu Á dựa trên đánh giá về các tiêu chí như đã đề cập, đó là:

Nhật Bản

Không quân Nhật Bản (JASDF) được thành lập năm 1954. Trong nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản đã kết hợp các công nghệ trình độ cao của chính họ với những khung máy bay chiến đấu được cung cấp từ Mỹ để tạo ra một lực lượng không quân rất mạnh ở châu Á.
Máy bay F-2 của Nhật Bản.

Máy bay F-2 của Nhật Bản.

JASDF được trang bị nhiều máy bay hiện đại, với trên 300 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và 4,5 (F-15 và F-2), cộng thêm một phi đội máy bay F-4 cũ hơn. Họ có một phi đội AEW lớn cùng với một phi đội máy bay tiếp dầu trên không. Không quân Nhật Bản cũng nổi tiếng với chất lượng cao về nhân lực. JASDF thường xuyên tham gia các cuộc diễn tập “Red Flag” với Mỹ, và trong những năm gần đây còn tổ chức huấn luyện chung với Không quân Hàn Quốc. Cũng trong thời gian ngắn gần đây các máy bay của Nhật Bản đã tăng cường hoạt động để đối phó với các máy bay của Trung Quốc và Nga. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, trong vòng 9 tháng năm 2014, phi cơ của nước này đã cất cánh 744 lần, tăng 32% so với năm 2013, hơn một nửa trong số này là đối mặt với sự xuất hiện của máy bay Trung Quốc.

Tuy nhiên, chương trình mua sắm của Nhật Bản không phải lúc nào cũng trôi chảy. Dự án F-2 (do Nhật Bản-Mỹ hợp tác) nhằm sản xuất một loại máy bay có khả năng tốt hơn chiếc F-16 của Mỹ, thuộc vào loại đắt nhất thế giới, với giá tiền là 108 triệu USD/chiếc (2004). Hiện nước này đang dự định mua máy bay chiến đấu đa năng F-35 của Mỹ với số lượng lớn và chúng ta vẫn chưa rõ việc mua sắm này sẽ tác động đến khả năng và sự sẵn sàng chiến đấu của không quân Nhật Bản như thế nào.

Ấn Độ

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Không quân Ấn Độ (IAF) là một trong số những lực lượng sử dụng máy bay chiến đấu thời Liên Xô một cách hiệu quả, đặc biệt là thành công trong các cuộc xung đột với Pakistan. Ấn Độ đã kết hợp công nghệ của Liên Xô với một hệ thống huấn luyện vào quản lý của Anh, điều giúp họ có được sự chuẩn bị tương đối tốt hơn khi đối đầu với các máy bay chiến đấu của Pakistan do phương Tây cung cấp.
Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ.

Máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ.

4 cuộc diễn tập “Cope India” giữa năm 2004 và 2009 đã cho thấy các phi công của Ấn Độ vẫn duy trì được lợi thế của họ. Hiện nay nước này có khoảng 300 chiếc máy bay chiến đấu thế thế thứ 4 và 4,5; cùng với đó là một phi đội lớn MiG-21. Về lực lượng hỗ trợ, Ấn Độ đang duy trì một phi đội khoảng 200 chiếc máy bay tấn công mặt đất hỏa lực mạnh. IAF cũng đã có các máy bay tiếp dầu trên không, máy bay AEW và đang yêu cầu trang bị các máy bay vận tải hạng nặng C-17 Globemasters.


Tuy nhiên, có 2 câu hỏi lớn vẫn còn đang được đặt ra với lực lượng không quân của Ấn Độ. Đầu tiên là liên quan đến cam kết của nước này với Nga về dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 PAK-FA. Đây là loại máy bay chiến đấu có tiềm năng rất lớn, nhưng đã bị hoãn lại nhiều lần. Vấn đề thứ hai là hợp đồng mua máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Sau nhiều năm thương lượng, hợp đồng cuối cùng về vấn đề này vẫn chưa kết thúc.

Trung Quốc


30 năm trước, Không quân Trung Quốc (PLAAF) có quy mô rất lớn, nhưng lại không được đánh giá cao. PLAAF sở hữu một số lượng lớn các máy bay đánh chặn, cùng với đó là các phi công được huấn luyện kém. Ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc thì chật vật trong việc sản xuất các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4.
Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc.


Nhưng hiện nay điều này đã thay đổi. Trung Quốc đang có trong biên chế hơn 600 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và 4,5, cùng với đó là nhiều phi đội máy bay đánh chặn và tấn công cũ hơn. Trung Quốc đã tự sản xuất được hầu hết các loại máy bay này, bao gồm J-10 và J-11. Nước này cũng đang tiến hành 2 dự án máy bay chiến đấu lớn, trong đó có máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và J-31. PLAAF cũng có một phi đội ngày càng tăng các máy bay vận tải hạng nặng, máy bay vận tải chiến thuật và máy bay cảnh báo sớm. Trong suốt một thập kỷ qua, lực lượng không quân Trung Quốc cũng liên tục tăng cường khả năng tiếp dầu trên không của họ, nhằm mở rộng khả năng hoạt động ngoài xa biên giới Trung Quốc cũng như hoạt động ở các vùng biển.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tăng cường huấn luyện, trong đó có các bài tập nhằm đối phó với các cuộc diễn tập “Red Flag” của Nhật Bản và Mỹ. Các phi công Trung Quốc hiện có nhiều giờ bay hơn nhiều so với thời điểm cách đây một thập kỷ. Tất nhiên, ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc vẫn còn phải nỗ lực về lĩnh vực điều khiển, đặc biệt là về vấn đề động cơ. Tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc còn phụ thuộc rất lớn vào các công nghệ nước ngoài. Tuy nhiên, về các vấn đề như khung máy bay, phi công và khả năng công nghiệp, Trung Quốc hiện nay đóng vai trò quan trọng nhất ở châu Á.

Ngoài ra còn có một số lực lượng không quân lớn khác trên bầu trời châu Á, chẳng hạn như không quân Hàn Quốc (ROKAF). Tuy nhiên, ROKAF vẫn thiếu một dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 tự sản xuất và nước này vẫn chưa phát triển khả năng tiếp dầu trên không.

Theo Công Thuận
Tin tức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm