2007: Hà Nội sẽ đi đầu cả nước về Chính phủ điện tử
Đây là một trong những mục tiêu về phát triển Chính phủ điện tử của Hà Nội trong thời gian tới đã được ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông TP Hà Nội thông báo cuối tuần qua.
Ông Dũng cho biết sau hơn 2 năm triển khai và đưa vào hoạt động, Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội bước đầu đã đạt được những thành quả nhất định và trở thành đầu mối cung cấp thông tin chính quyền đến công dân, tổ chức nhằm giúp họ nắm bắt và hiểu được các chủ trương chính sách của TP.
Hiện nay, cổng giao dịch Hà Nội Portal đã có sự tham gia của trên 40 đơn vị Sở, ban ngành, quận huyện trong việc cung cấp thông tin và sự tham gia của 6 đơn vị trong việc xây dựng các dịch vụ trực tuyến và 28 bộ phận “một cửa” trong việc thông báo trạng thái giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, sự tham gia của các đơn vị còn một số hạn chế vì nhiều nguyên nhân dẫn đến một số mảng thông tin trên Hà Nội Portal chưa được cập nhật kịp thời.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Hà Nội Portal cũng đã gặp phải những vướng mắc như các đơn vị chưa tích cực cập nhật thông tin, thông tin cập nhật không hoặc ít trực tiếp hữu ích cho công dân. Các đơn vị xây dựng dịch vụ thông tin (DVTT) cũng không tích cực xây dựng DVTT nên DVTT của các đơn vị chỉ dừng ở việc trả lời các câu hỏi của công dân.
Thế nhưng số liệu thống kê cho thấy số lượng câu trả lời là quá ít so với số lượng các câu hỏi (chỉ trả lời có 198 câu hỏi được trả lời trên tổng số 877 câu hỏi).
Cũng theo ông Dũng, để mô hình Chính phủ điện tử đi vào hoạt động hiệu quả thì 100% các Sở, quận huyện, ban ngành phải thiết lập mạng cục bộ; tỷ lệ máy tính cá nhân/người làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị hành chính sự nghiệp cũng cần phải tăng thêm từ 10%-15%.
Sở Bưu chính, Viễn thông cũng sẽ hoàn thiện phần mềm Portal để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của người dân và bước đầu hình thành dịch vụ tư vấn pháp luật, cấp sổ đỏ, cấp phép ĐKKD, thông tin quy hoạch, nhà đất. Trong thời gian tới sẽ triển khai các dịch vụ công của một số Sở, quận, huyện …
“Cần ban hành quy chế cập nhật thông tin, dịch vụ trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội làm cơ sở để các đơn vị nghiêm túc thực hiện. Các đơn vị cũng phải thành lập bộ phận riêng chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, dịch vụ lên Hà Nội Portal. Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động CNTT nói chung và việc tham gia vào cổng giao tiếp nói riêng”- Ông Dũng nhấn mạnh.
Theo Phạm Tuyên
Tiền Phong