20 năm mạng di động Viettel Mobile: "Phủ" công nghệ để không ai bị bỏ lại phía sau
(Dân trí) - "Chuyển đổi 2G lên 4G" - một chương trình xuất phát từ chủ trương lớn của đất nước, đang được Viettel Telecom thực hiện với tinh thần nhân văn và trách nhiệm xã hội cao nhất để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của công nghệ.
Những ngày đầu năm 2023, rất hiếm khi anh Trương Đình Điệp, Giám đốc Viettel huyện Con Cuông (Nghệ An) có mặt tại văn phòng. Phần lớn thời gian trong ngày anh cùng với đội ngũ của mình chia nhau lên từng thôn bản tiếp xúc người dân, phối hợp với chính quyền để tuyên truyền khách hàng sử dụng điện thoại di động từ 2G lên 4G. Nỗ lực như vậy của rất nhiều người Viettel Telecom thời gian qua là tiền đề cho một chiến lược lớn
Cân bằng cơ hội tiếp cận công nghệ số
Với đặc thù của một huyện miền núi, giáp biên với Lào, cư dân huyện Con Cuông chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống phân tán với mật độ chưa đến 47 người/km2. Anh Điệp và anh em Viettel phải đi từ sáng cho đến 9-10h đêm mới trở về. Nhưng không phải cứ đến, đổi máy hay bật sim là xong. Câu chuyện thuyết phục khách hàng mất nhiều thời gian hơn nhiều.
"Thực sự có những ngày cả đội chỉ chuyển đổi được 3 khách hàng, bán được 1 chiếc máy 4G. Người dân chưa dùng smartphone, chưa hiểu được các lợi ích theo chủ trương của Nhà nước, nên giai đoạn đầu rất khó thuyết phục", anh Điệp chia sẻ.
Mặc dù Viettel có nhiều chính sách hấp dẫn để chuyển đổi sang smartphone 4G như mua máy 0 đồng hay giảm giá hàng triệu đồng, nhưng khách hàng chỉ quan tâm sau khi trực tiếp trải nghiệm các dịch vụ như YouTube, Viettel Money, và TV360 miễn phí. Viettel Con Cuông, kiên trì phối hợp với chính quyền địa phương, đã giúp người dân huyện vùng cao tiếp cận nhanh hơn với các dịch vụ số. Kết quả, mức độ hoàn thành chuyển đổi sim từ 2G lên 4G trong năm đạt 120% kế hoạch.
Cùng với quá trình chuyển đổi đó, những dịch vụ số về ví điện tử, thanh toán số… cũng được triển khai đồng bộ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp địa phương, các điểm bán hàng và người dân trên địa bàn. Dịch vụ số, bằng một cách rất tự nhiên, theo các dịch vụ viễn thông len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống ở huyện vùng cao này.
Trong quá trình Viettel Telecom thực hiện chủ trương chuyển đổi 2G lên 4G, hàng loạt biện pháp đã được triển khai để không "bỏ lại ai phía sau". Đó là truyền thông thay đổi nhận thức của người dân, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng khách hàng" để thuyết phục người dùng, trao cơ hội sở hữu máy 4G giá rẻ thông qua chính sách hỗ trợ sản phẩm. Hành động quyết liệt nhất là nhà mạng này dành 340 tỷ đồng trong giai đoạn nước rút để tặng 800.000 điện thoại 4G cho khách hàng khó khăn, ở vùng sâu vùng xa và khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai chưa có điều kiện chuyển đổi lên 4G.
Điều đó cho thấy, lộ trình triển khai chương trình hỗ trợ khách hàng chuyển đổi lên 4G đã được doanh nghiệp này thực hiện với mục tiêu các ưu đãi đến được đúng đối tượng cần thiết, giải quyết tận gốc vấn đề của từng nhóm khách hàng cụ thể. Câu chuyện chuyển đổi 2G lên 4G của Viettel Telecom vì vậy không chỉ là bài toán kinh doanh, mà còn thể hiện trách nhiệm với đất nước và tri ân khách hàng đã đồng hành và tin tưởng thương hiệu.
Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Việc phổ cập data đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Với mức độ thâm nhập cao của điện thoại di động, việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin đến mọi người dân nhanh và rẻ hơn nhiều so với các phương án khác.
Năm 2010, Viettel chính thức cung cấp internet băng rộng 3G tại Việt Nam. Mong muốn phổ cập kết nối Internet đến mọi người dân, Viettel đã triển khai số trạm phát sóng lớn hơn 1,5 lần so với cam kết trong hồ sơ thầu với Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT). Tốc độ kết nối nhanh tương đương cáp đồng ADSL, 3G được coi là phương tiện nhanh và tiện lợi để phổ cập Internet. Những thiết bị DCOM-3G lần đầu xuất hiện đem đến cơ hội cho 19 triệu hộ gia đình chưa tiếp cận với các kết nối có dây, trong tổng số 23 triệu hộ gia đình khi đó.
Tiếp đó, làn sóng 4G với tốc độ nhanh gấp hàng chục lần được phủ sóng toàn quốc, các ứng dụng lĩnh vực giáo dục, y tế, quản lý hỗ trợ chính quyền địa phương… phát triển bùng nổ.
Theo báo cáo của Cục Viễn thông và doanh nghiệp (Bộ TT&TT), Việt Nam hiện có 93,8 triệu thuê bao 4G và 5G năm 2023, trên tổng dân số 100,3 triệu người. Báo cáo của Q&Me cho biết người dùng Việt dành tới 6,2 giờ mỗi ngày - 1/4 quỹ thời gian tuyệt đối - để sử dụng smartphone. Tới 80% người khảo sát có sử dụng ít nhất một ứng dụng ngân hàng trực tuyến, và 70% có sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử cho nhu cầu mua sắm từ hàng hóa đến đồ ăn, dịch vụ giao thông… Điện thoại di động trở thành công cụ cho những dịch vụ thiết yếu với con người, vượt ra ngoài chức năng nghe gọi ban đầu.
10 năm trước, hạ tầng viễn thông truyền thống là thiết yếu cho xã hội thì tại thời điểm hiện nay, hạ tầng số là yếu tố sống còn của đất nước. Trong đó, các nhà mạng viễn thông với ưu thế về tiềm lực tài chính, con người và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo hạ tầng số Việt Nam. "Chưa bao giờ các nhà mạng có những chuyển dịch quan trọng như thế này, có sứ mệnh lớn lao đối với sự phát triển của đất nước như thế này", Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh về vai trò của doanh nghiệp viễn thông tại Hội nghị Quân chính Viettel đầu năm 2024.
Đối diện với nhiệm vụ trước mắt, Viettel Telecom sẵn sàng mọi điều kiện để cùng các doanh nghiệp Việt Nam làm bùng nổ điện toán đám mây. Ngay trong tháng 9/2024, dịch vụ lưu trữ đám mây Mybox khách hàng cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp SME được Viettel Telecom đưa vào kinh doanh chính thức. Hơn 50 tính năng ưu việt, dịch vụ Mybox giúp khách hàng giải quyết vấn đề trở ngại đang gặp phải trong việc lưu trữ và bảo mật dữ liệu một cách đơn giản, thuận tiện và thông minh.
Ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom, cho biết doanh nghiệp đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng mới và làm bùng nổ kết nối thông minh.
"Trong 20 năm kinh doanh dịch vụ di động, Viettel đã thành công trong việc phổ cập điện thoại, thành công trong việc thúc đẩy mỗi người dân một chiếc smartphone, thành công khi góp phần để mỗi hộ gia đình Việt Nam có một đường internet băng rộng. Giai đoạn tiếp theo, Viettel sẽ tạo hạ tầng để thúc đẩy kết nối thông minh", ông Sơn nhấn mạnh.
Hiện tại, Viettel đã sẵn sàng hạ tầng viễn thông, dữ liệu, đám mây và dịch vụ. Tất cả hạ tầng này được xây dựng với công nghệ hiện đại, kết nối tốc độ đủ nhanh và quy mô đủ lớn để cả xã hội cùng khai thác, sáng tạo trên đó, tạo ra ứng dụng chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực: kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số.