15 quốc gia chia sẻ kinh nghiệm về thực thi bản quyền trên môi trường số
(Dân trí) - Bảo hộ bản quyền là yếu tố cốt lõi để Việt Nam xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, tăng kim ngạch xuất khẩu.
Sáng 17/6 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và VHTTDL Hàn Quốc, tổ chức Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, cho biết trong thời đại mới, sáng tạo trên môi trường số đã mở ra nhiều cơ hội, đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Tuy vậy, "sân chơi" này đã đặt ra một số thách thức nhất định cho các bên tham gia (gồm người sáng tạo nội dung và cơ quan quản lý) trong việc thực thi về bản quyền tác giả, đặc biệt là trong bối cảnh vi phạm bản quyền trên môi trường số ngày càng gia tăng.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, Việt Nam đang quan tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mang bản sắc của riêng mình.
Do đó, việc làm tốt công tác bảo hộ bản quyền là yếu tố cốt lõi để xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, cũng như đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của mỗi quốc gia.
Để làm điều này, Thứ trưởng nhìn nhận rằng mỗi chủ thể, tổ chức, quốc gia… cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ kịp thời để bảo vệ bản quyền đối với mỗi sản phẩm nội dung số.
Đối với Việt Nam, lợi thế của chúng ta là đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước về quyền tác giả và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm từ năm 2022.
Điều này giúp chúng ta đáp ứng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như tạo nền tảng pháp lý hữu hiệu để bảo vệ các tác phẩm, quyền tác giả một cách minh bạch, hiệu quả, đặc biệt là trên môi trường số.
Ngoài ra, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tăng cường năng lực quản lý và thực thi bảo hộ bản quyền, phát triển công nghiệp văn hóa… cũng đã được Nhà nước xác định rõ tại Chiến lược phát triển Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2030
Hội nghị diễn ra từ 17/6 đến 21/6, có sự tham dự của các đại biểu, đại diện đến từ 15 quốc gia trên thế giới (khu vực Đông Nam Á, khu vực Châu Phi, khu vực Ả Rập, khu vực Châu Mỹ - Latin) và các chuyên gia quốc tế, với nhiều phiên hội thảo, chuyên đề.
Đại diện từ Bộ VHTTDL cho biết tại chuỗi sự kiện, các diễn giả sẽ cập nhật tình hình bảo hộ và thực thi về bản quyền, đặc biệt trên môi trường số. Cùng với đó là chia sẻ các xu hướng xây dựng chính sách, thách thức trước những xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.
Các đại biểu tập trung vào chia sẻ, làm rõ về thẩm quyền và luật áp dụng trong tranh chấp bản quyền trực tuyến; phương thức giải quyết vi phạm bản quyền trực tuyến; thu thập, bảo quản bằng chứng, cách tiếp cận cân bằng để thực thi bản quyền và sử dụng công nghệ để ngăn chặn vi phạm bản quyền; các hoạt động chống vi phạm bản quyền…
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức một số hoạt động bên lề nhằm giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam, tạo điều kiện để các khách mời trao đổi, tăng gắn kết giữa các quốc gia.