1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

1001 chuyện nhạc chuông

(Dân trí) - “Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ…”. Không đợi hết hồi chuông, anh Năm vội vàng bắt máy: “Alô, anh nghe cưng ơi”. Lát sau, điện thoại “hát” ca khúc Tình yêu lung linh, không cần nhìn màn hình, anh trả lời với giọng rất ngọt ngào.

Điện thoại không chỉ “hát”

Hành khách của anh Năm, chủ xe kiêm tài xế dọc theo tuyến đường TPHCM - Miền Tây, thường thắc mắc sao bác tài lại cài lắm loại nhạc chuông, nhưng chẳng theo một gu nào cả: cải lương, nhạc trẻ, nhạc không lời, tiếng động vật… Thế nhưng, hành khách “ruột” thì dễ dàng nhận biết đâu là “cơm”, đâu là “phở”, đâu là khách VIP của anh.

Vốn là người rất đào hoa nên dù đã 1 vợ 5 con, anh Năm vẫn đèo bồng qua lại với các “em gái”, “em nuôi” trải dài từ TPHCM cho đến đất mũi Cà Mau.

“Không cần phải xem số điện thoại nhưng vẫn biết được ai gọi đến và dễ dàng quyết định có nên bắt máy hay không. Đó là ưu điểm rất lớn của nhạc chuông”, anh Năm chia sẻ mỗi khi khách “ruột” hỏi.

Quả thật, Mỗi “em” anh Năm cài một loại nhạc chuông khác nhau, không trùng lắp, không nhầm lẫn. Lan và Điệp được anh gán cho em hiền lành ở Trà Vinh, Tình yêu lung linh dành cho em bé bỏng xinh xinh ở bến Ninh Kiều, còn tiếng ngựa hí dành cho em điệu đàng, đua đòi, tiếng chim hót là tín hiệu gọi của em ăn nói ngọt ngào, duyên dáng…

Cũng tương tự là trường hợp của anh Lê Chí Dũng, trợ lý giám đốc ở một công ty xuất khẩu thuỷ sản. Mỗi khi sếp gọi thì lời của Nỗi đau ngọt ngào vang lên, còn khi người yêu alô đến, những giai điệu của Vì yêu cất lên tiếng hát: “Biết em yêu anh nhiều đôi khi anh hay lạc lối. Gió đưa anh quay về cùng em trong đêm mịt tối”.

Anh Dũng cho biết: “Tôi rất thường thay đổi nhạc chuông, lúc đầu thì đến các siêu thị, cửa hàng lớn tải nhạc miễn phí. Bây giờ thì trang bị đầy đủ “đồ chơi” từ phần cứng đến phần mềm để cắt nhạc, chuyển định dạng và tải về máy. Công việc này thú vị và cũng rất dễ thực hiện”.

Khác với 2 trường hợp trên, chị Lê Huỳnh, giảng viên một trường cao đẳng tại TPHCM, lại chưa từng cài đặt thêm nhạc chuông báo nếu không bị sự cố mất trộm tiền bạc, giấy tờ, điện thoại cùng lúc với nhiều rắc rối trong công việc. Sau khi sắm lại chiếc điện thoại mới, nhân viên cửa hàng đề nghị chị Huỳnh chọn nhạc và cài miễn phí vào máy. Vậy là mỗi khi có cuộc gọi đến, điện thoại của chị “hát” lên: “Katy  Katy, em hãy vui lên, hãy cố vui cười lên. Nỗi buồn sẽ trôi dần trong lãng quên…” (Katy Katy).

Chị Huỳnh tâm sự: “Mỗi khi có cuộc gọi đến, lời bài hát vang lên, tôi thực sự nghĩ rằng có ai đó đang chia sẻ với mình và mong muốn cho mình những điều tốt đẹp nhất. Nỗi buồn cũng vơi đi cùng với tiếng nhạc chuông. Và điện thoại hát dù có lời hay không lời đều mang đến nhiều cảm xúc và thú vị hơn là tiếng chuông reo”.

Những tình huống khóc dở mếu dở

Tuy nhiên không phải tiếng nhạc chuông nào cũng mang đến những ấn tượng đẹp và có tác dụng như mong muốn. Tâm, sinh viên năm thứ 2 ngành Công nghệ thông tin ở một trường cao đẳng, có thói quen sưu tập nhạc chuông “độc” và mang đầy yếu tố “bất ngờ”.

Tâm chia sẻ: “Chuông báo như vậy mới gây được sự chú ý và tạo sự vui vẻ, thú vị. Nếu bạn dùng nhạc chuông giống mọi người thì khi có cuộc gọi đến, rất khó biết được điện thoại của ai. Đó là lý do tôi chơi chuông báo thường khác với bạn bè trong lớp”.

Và một lần Tâm làm bài tập trên bảng, bạn bè bên dưới đã nghịch nhá máy của cậu. Kết quả là cả lớp có dịp cười vỡ bụng còn Tâm đỏ mặt, luống cuống tắt máy khi điện thoại “kêu” ầm ỹ: "Alô đi mày, điện thoại tới kìa, làm gì vậy thằng quỷ, nghe điện thoại kìa…”.

Cũng chọn nhạc chuông báo độc đáo, ít đụng hàng, Thế Anh đã để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng khi quên chuyển điện thoại sang chế độ rung trong một buổi họp Đảng. Khi mọi người đứng nghiêm trang làm lễ chào cờ, giữa bầu không khí rất im ắng thì bất ngờ điện thoại của Thế Anh thông báo: “Đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội 30 cây số…".

Còn Thuỷ vốn rất quý trẻ con nên lần đầu nghe tiếng chuông em bé cười, cô nhất định phải cài loại nhạc đó vào máy. Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì Thuỷ đã phải đổi sang loại nhạc khác. Lý do là một hôm Thuỷ ở nhà một mình, đang yên giấc nồng vào giữa khuya thì có cuộc gọi, tiếng em bé cười khặc khặc rất to liên tục. Ngặt nỗi cô không nhớ điện thoại để ở đâu, vậy là lúc nghe ra tiếng em bé cười, lúc nghe ra tiếng em bé khóc. Nhỡ cuộc gọi thứ nhất, cuộc thứ 2 gọi đến cũng là lúc Thuỷ tìm được máy, vừa alô thì đầu bên kia… tít tít, gọi lại máy không có tín hiệu trả lời.

“Đêm đó tôi không sao chợp mắt được vì ám ảnh tiếng em bé khóc cười, cứ như nhà có ma vậy. Tôi quyết định tắt điện thoại mà vẫn không ngủ được. Sáng dậy tôi xoá luôn tiếng nhạc chuông báo này”, Thuỷ kể.

Những sự cố nhạc chuông như vậy không phải là ít, đặc biệt khi chủ nhân của chiếc alô thích chơi những loại nhạc tự chế, chuông báo tự ghi âm, hoặc các âm thanh đặc biệt khác. Hãy cẩn thận khi quyết định chọn những nhạc báo tự chế gây sốc nếu không muốn rơi vào những tình huống khóc dở mếu dở.

L.N.