10 thủ phủ công nghệ của thế giới

(Dân trí) - Nhật báo điện tử uy tín <i>The Age</i> của Australia vừa công bố danh sách 10 thành phố công nghệ của thế giới. Đáng lưu chú trong bảng bình chọn này là sự xuất hiện của 6 thành phố châu Á, trong đó Seoul chiếm ngôi vị quán quân.

Vào tháng 4, thời điểm các tờ báo tại Sydney đang phải sử dụng dịch vụ băng thông rộng dành cho hộ gia đình của Australia thì Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon vẫn ngồi trên xe buýt và dùng laptop. Ông Se-hoon có thể tải các chương trình truyền hình, chơi game trực tuyến hoặc tán gẫu với bạn bè. Điều này có được là do ông đang sử dụng mạng WiBro, công nghệ Internet với tốc độ 3 megabit/giây, một dịch vụ băng thông rộng không dây mới do hãng KT Telecom tại Hàn Quốc cung cấp.

 

Cũng vào thời điểm đó, KT Telecom tuyên bố, dịch vụ Wibro - cung cấp Internet tốc độ cao thậm chí khi đang di chuyển với tốc độ 120km/h, có thể mở rộng ra toàn Seoul. 

 

Câu chuyện trên đã chứng minh rằng Seoul là điểm nổi bật nhất trong các thành phố công nghệ của thế giới. Trong một chuyến thăm tới Seoul gầnd dây, Stephen Quinn, giáo sư ngành thông tin tại đại học Deakin (Úc) nhận định: “Người Seoul lướt web trên những chiếc laptop rất nhỏ khi đang đi tàu điện ngầm, sâu dưới mặt đất khoảng 1/2 km”.

 

Thông thường, hệ thống băng thông rộng không dây đã đáp ứng nhu cầu Internet tốc độ cao tại Seoul. Cứ 5 hộ gia đình thì có 4 hộ được tiếp cận với dịch vụ băng thông rộng, chi phí khoảng 40USD/tháng với tốc độ lên tới 100Mbps.

 

9 trong 10 người Seoul có điện thoại di động. Hai nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu là Samsung và LG đều đặt trụ sở tại Seoul và liên tục tung ra những mẫu mã điện thoại di động mới nhất được người dân nhanh chóng chấp nhận.

 

Seoul còn là thành phố nơi công nghệ hội tụ. Dịch vụ truyền hình kỹ thuật số di động hay truyền thông đa phương tiện, được khai trương tại Hàn Quốc vào năm 2005 và giờ đây, gần 2 triệu người đã sử dụng dịch vụ này để xem truyền hình trên điện thoại di động trong khi đang đi tàu và xe buýt.

 

Các thành phố khác của châu Á như Singapore, Tokyo và Hồng Kông cũng là đang nóng lên theo Seoul. Singapore dẫn đầu thách thức, đặc biệt là trong lĩnh vực truy cập Internet. 65% hộ gia đình Singapore dùng Internet băng thông rộng. Tháng 12 năm ngoái, chính phủ Singapore đã tuyên bố miễn phí Internet băng thông rộng không dây trên khắp quốc đảo và hơn 400.000 người đã đăng ký sử dụng dịch vụ này. Chính phủ Singapore cũng lên kế hoạch tăng tốc độ băng thông không dây lên 1Gbps vào năm 2012.

 

Tại thủ đô Stockholm (Thuỵ Điển), công nghệ có vị trí rất quan trọng. Bjorn Landfeldt, giảng viên của ĐH Sydney cho biết: “Bọn trẻ ở Thuỵ Sĩ muốn trở thành kỹ sư, chứ không phải luật sư hay bác sĩ. Vai trò của khoa học và công nghệ đã ăn sâu vào văn hoá của thành phố này”.

 

San Francisco và Thung lũng Silicon là nhà của các công ty công nghệ lớn bao gồm Google, Cisco và Intel, biến khu vực này trở thành một điểm “trăng mật” hấp dẫn cho các công ty hàng đầu thế giới. Đây là nơi hội tụ những trường đại học công nghệ hàng đầu như ĐH Stanford, ĐH California, sản sinh ra những chuyên gia công nghệ của tương lai.

 

Tallinn - thủ đô của Bosnia và Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng là các thành phố đáng chú ý về công nghệ. Chính quyền Tallinn dẫn đầu trong việc áp dụng chính phủ điện tử trong khi Bắc Kinh tiếp tục phát triển công nghệ để chuẩn bị cho Olympics Bắc Kinh 2008. Tháng 1 năm nay, Trung Quốc đã công bố kế hoạch triển khai công nghệ chuẩn 3G, cho phép truyền tải truyền hình di động chất lượng cao tới “con dế” của các fan hâm mộ.

 

Bảng xếp hạng 10 thành phố công nghệ do The Age bình chọn dựa vào những yếu tố như: Tốc độ trường truyền Internet, chi phí băng thông rộng, truy cập Internet không dây, áp dụng công nghệ, sự hỗ trợ của chính phủ cho công nghệ, giáo dục và văn hoá công nghệ, tiềm năng tương lai.

 

Dưới đây là danh sách 10 thủ phủ công nghệ của thế giới:

1.  Seoul

2.  Singapore

3.  Tokyo

4.  Hồng Kông

5.  Stockholm

6.  San Francisco và Thung lũng Silicon

7.  Tallinn

8.  New York

9.  Bắc Kinh

10.New Songdo City

 

VTH

Theo The Age