10 sự kiện Thông tin và Truyền thông 2009
(Dân trí) - Ngành Thông tin và Truyền thông đi qua một năm với nhiều sự kiện đánh dấu bướt ngoặt mới trong lịch sự phát triển. Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện đã được Quốc hội thông qua; Dịch vụ 3G chính thức được cung cấp tại Việt Nam...
Sáng 30/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 10 sự kiện nổi bật của năm, đó là:
1. Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện được Quốc hội thông qua
Ngày 23/11/2009, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện, hiệu lực từ ngày 1/7/2010.
Cùng với Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử, Luật Xuất bản và các Nghị định, Quyết định, Thông tư đã được ban hành tạo hành lang pháp lý đồng bộ, cơ chế cạnh tranh bình đẳng cho lĩnh vực Thông tin và Truyền thông phát triển.
2. Diễn đàn Công nghệ Thông tin thế giới được tổ chức thành công tại Việt Nam
Diễn đàn Công nghệ Thông tin thế giới năm 2009 (WITFOR 2009) đã được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 1500 quan chức chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp công nghệ thông tin từ 70 nước và vùng lãnh thổ.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do Liên hợp quốc khởi xướng, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm thu hút về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của khu vực.
3. Việt Nam đoạt giải Nhì quốc tế cuộc thi viết thư Bưu chính Thế giới
Tại cuộc thi viết thư quốc tế lần thứ 38 do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tổ chức, em Nguyễn Đắc Xuân Thảo - học sinh lớp 7/10 Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã đoạt giải Nhì. Đây là giải thưởng cao nhất trong 7 lần Việt Nam đoạt giải qua 20 năm tham dự.
4. Dịch vụ thông tin di động thế hệ thứ 3 (3G) chính thức được cung cấp tại Việt Nam
Ngày 13/08/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 4 giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất tiêu chuẩn IMT-2000 (WCDMA) trong băng tần số 1900-2200MHz (3G) thông qua hình thức thi tuyển.
Sự kiện 3G được đánh giá sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về thông tin di động tại Việt Nam.
5. Giải thưởng quốc gia về Công nghệ Thông tin và Truyền thông lần thứ nhất được tổ chức thành công
Đây là Giải thưởng quốc gia đầu tiên do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức nhằm công nhận, tôn vinh và quảng bá thành tựu của các tổ chức, doanh nghiệp đã có những thành tích xuất sắc trong ứng dụng và phát triển CNTT&TT tại Việt Nam.
6. Chính phủ công bố Lộ trình chuyển đổi công nghệ phát thanh, truyền hình tương tự sang phát thanh, truyền hình số
Ngày 16/01/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Tại Quyết định này, lộ trình chuyển đổi công nghệ tương tự (analog) sang công nghệ số (digital) được xác định phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ và xu hướng quốc tế. Trong năm 2009, dịch vụ truyền hình độ nét cao (HDTV), truyền hình qua giao thức mạng Internet (IPTV) đã chính thức phát sóng tại Việt Nam.
7. Triển khai các hệ thống cáp quang biển quốc tế và phủ sóng thông tin di động trên vùng biển, đảo Việt Nam
Năm 2009, Việt Nam đã chính thức tham gia 03 hệ thống cáp quang biển quốc tế có dung lượng lớn là: Liên Á- Mỹ (AAG); Liên Á (IACS); Châu Á-Thái Bình Dương (APG). Việc này sẽ mở rộng băng thông truyền tải cho loại hình dịch vụ liên thông với thế giới, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
8. Xuất bản bộ “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long”; lần đầu tiên sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm dịch ra tiếng Tây Ban Nha và tiếng Lào
Tiến tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngành Xuất bản Việt Nam đã triển khai xuất bản bộ “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long” gồm 4 tập, dày 12.000 trang, hơn 5000 tranh ảnh minh họa,… Đây là ấn phẩm quý giá, đồ sộ bậc nhất từ trước tới nay viết về văn hóa Thăng Long-Hà Nội.
Năm 2007, cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được xuất bản với số lượng kỷ lục ở Việt Nam, sau đó được dịch ra tiếng Anh. Năm 2009, lần đầu tiên cuốn sách này được dịch ra tiếng Tây Ban Nha và tiếng Lào sẽ được phát hành rộng rãi trong thời gian tới tại Lào, Cu Ba và một số nước Châu Mỹ La tinh.
9. Chứng thực chữ ký số đã được triển khai tại Việt Nam
Ngày 15/9/2009, Bộ TT&TT đã trao giấy phép cung cấp dịch vụ Chứng thực chữ ký số công cộng (CA) đầu tiên của Việt Nam cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Các loại chứng thư số được cung cấp bao gồm: Chứng thư số cá nhân cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; Chứng thư số dành cho trang thông tin điện tử; Chứng thư số dạng chứng thực phần mềm dành cho ứng dụng…
10. Lần đầu tiên thi thiết kế, trình bày và triển lãm những trang báo, tạp chí đẹp toàn quốc
Đây là hoạt động nhằm nâng cao chất lượng báo chí Việt Nam và khuyến khích sự sáng tạo các cách tiếp cận thông tin phong phú trong thiết kế, trình bày báo chí; góp phần đưa báo chí Việt Nam hội nhập nhanh hơn với báo chí hiện đại của thế giới.
PV