1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Y tế tư nhân: “Con ghẻ” muốn làm tốt cũng khó

(Dân trí) - Dù có nhiều đóng góp trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng hệ thống y tế tư nhân đang bị kìm hãm sự phát triển bởi cách đối xử “chưa công bằng”. Cần phải sửa đổi, bổ sung luật khám chữa bệnh mở cửa cho y tế tư nhân.

Xã hội hóa y tế: “đang còn nửa vời”

Ngày 12/4, tại TPHCM, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với Hội hành nghề y tế tư nhân Việt Nam. Tại đây, nhiều ý kiến bức xúc liên quan đến nạn phân biệt đối xử công - tư, vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính… đã được các y bác sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực y tế tư nhân trình bày.

Ông Vũ Thế Hùng, Tổng giám đốc bệnh viện Đa khoa Tràng An (Hà Nội), cho rằng: Chính sách xã hội hóa đối với y tế và giáo dục của Đảng và Nhà nước rất rõ ràng, tuy nhiên khâu thực hiện chính sách lại tồn tại quá nhiều vấn đề. “Năm 2009, chúng tôi xin nâng cấp từ phòng khám lên bệnh viện, riêng khâu làm hồ sơ đã hết 2 năm nhưng một vị cán bộ của Vụ Điều trị không phê duyệt. Mỗi lần đến trình hồ sơ lên vị này đều bảo về chờ mà không có bất kỳ lý do, đến mức bác sĩ Trưởng phòng Quản lý y tế tư nhân, Sở Y tế Hà Nội phải đi cùng chúng tôi lên “khóc lóc” mới được giải quyết”.

Các bệnh viện công tuyến trên đang rơi vào cảnh quá tải trầm trọng
Các bệnh viện công tuyến trên đang rơi vào cảnh quá tải trầm trọng

Theo ý kiến chung của nhiều đại biểu, Nhà nước đã có chủ trương ưu tiên xã hội hóa về giáo dục, xã hội hóa về y tế, tuy nhiên, vấn đề này chưa đi vào thực tế. Tại các tỉnh miền Bắc, hầu hết các cơ sở y tế tư nhân đang phải tự thân vận động về nguồn vốn, tự mua hoặc thuê đất xây dựng bệnh viện bởi chưa cơ sở nào được cấp đất hoặc cho vay vốn. “Vậy chủ trương xã hội hóa là như thế nào, thực tế đã triển khai ra sao? Đây là vấn đề cần làm rõ. Không thể đánh đồng khái niệm để lấy những thành tích và nỗ lực của cá nhân hay tập thể đạt được làm thành tựu của xã hội hóa lĩnh vực y tế”.

Bên cạnh đó, dù được Bộ Y tế cho phép sự hỗ trợ giữa bệnh viện nhà nước và bệnh viện tư nhân dù nhưng trên thực tế, những hỗ trợ về chuyện môn là rất ít, thậm chí nhiều bệnh viện công lập còn không cho bác sĩ đi hỗ trợ bệnh viện tư.

Theo ý kiến của BS Nguyễn Đăng Quảng, phòng khám Lê Hữu Trác, Hà Nội: “Y tế tư nhân có truyền thống từ xa xưa. Tại các quốc gia khác, lĩnh vực y tế tư nhân được ưu tiên phát triển và chiếm đại đa số các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam đang tập trung phát triển y tế công, việc đầu tư vừa tốn kém về ngân sách, công sức, trí tuệ nhưng thực tế rất đáng buồn. Chủ trương xã hội hóa y tế đã có từ nhiều năm nay nhưng muốn xã hội hóa để cống hiến sức mình cho đất nước cũng không được.

Bệnh viện tư dù được trạng bị hiện đại nhưng lại thiếu bệnh nhân
Bệnh viện tư dù được trạng bị hiện đại nhưng lại thiếu bệnh nhân

Ông Quảng dẫn chứng: “Với cương vị là Chủ tịch Hội từ thiện Tấm lòng vàng, 15 năm trước tôi đã xin cấp đất để mở bệnh viện từ thiện chữa bệnh cho nhân dân bằng chính công sức, tiền bạc của bản thân và sự hỗ trợ từ các tổ chức thiện nguyện trong và ngoài nước, nhưng đến nay tâm ý của tôi và những người muốn làm việc thiện chưa được ai ngó ngàng”.

Luật khám chữa bệnh “làm khó” y tế tư nhân

Liên quan đến những vấn đề khó khăn y tế tư nhân đang gặp phải, ông Phạm Thành Vận, Chủ tịch Hội hành nghề y tế tư nhân Việt Nam, cho biết: Y tế tư nhân đang bị chính các cơ quan quản lý hành. “Dù chỉ là một bệnh viện nhỏ nhưng có ngày chúng tôi phải nhận đến gần 20 công văn với nhiều vấn đề khác nhau, trong khi bệnh nhân cần được chăm sóc. Chỉ ngồi đọc xem công văn nói gì cũng đã đủ khiến người hành nghề y tư nhân khốn đốn”, ông Vận dẫn chứng.

Bên cạnh đó, cơ sở y tế tư nhân đang trở thành tâm điểm của việc thanh tra. “Trong khi cơ sở y tế nhà nước chẳng mấy khi “được” ngó tới thì y tế tư nhân lại bị kiểm tra dồn dập. Có tuần 1 chúng tôi phải tiếp liên tiếp 7 đoàn đến thanh tra. Tuy nhiên, hầu như tất cả các đoàn đến thanh tra đều không có đủ trình độ chuyên môn. Đường đường là bác sĩ nhưng họ không biết cộng hưởng từ chẩn đoán là nam châm vĩnh cửu và radio cứ bắt chúng tôi phải trình an toàn bức xạ… Họ chỉ đến dán tem kiểm tra rồi lấy vài trăm nghìn chứ không biết phải kiểm tra cái gì”.

Ý kiến chung của các đại biểu tập trung đề nghị Bộ Y tế cùng các bộ ngành liên quan xem xét lại các vấn đề trong Luật Khám chữa bệnh. Cụ thể: Trong Luật khám chữa bệnh cần phải điều chỉnh lại hoặc có pháp lệnh dưới luật, nghị định về việc bổ sung cấp chứng chỉ cho bác sĩ đã qua 18 tháng thực tập và đã học chuyên khoa 1 năm thuộc các chuyên khoa hiếm như: chẩn đoán hình ảnh, sinh hóa, xét nghiệm sinh học phân tử,… để họ có đủ điều kiện hành nghề.  

Y tế tư nhân cho rằng cả pháp luật và Bộ Y tế đang thiên vị cho bệnh viện công
Y tế tư nhân cho rằng cả pháp luật và Bộ Y tế đang "thiên vị" cho bệnh viện công

Việc cấp chứng chỉ hành nghề y tế tư nhân nhưng kèm theo quy định phải có lý lịch tư pháp là vấn đề bất hợp lý bởi bác sĩ đã có đầy đủ các lý lịch cá nhân, bằng cấp,… “Đề nghị bỏ lý lịch tư pháp vì chúng tôi không phải tội phạm, chưa quốc gia nào trên thế giới có điều luật là lùng như thế này”, ông Vận đề xuất.

Ông Thành Vận cho rằng, y tế tư nhân đang bị làm khó từ chính ngành y tế và các cơ quan truyền thông khi tai biến xảy ra mà chưa biết thực hư thế nào. Do đó, Luật cần bổ sung điều khoản bảo vệ quyền hợp pháp cho bác sĩ và người hành nghề y nói chung.

Bên cạnh đó, Hội hành nghề y tư nhân còn nhiều vướng mắc cần được giải quyết thỏa đáng như: Hội có được mở các lớp đào tạo cho hội viên hay không, ai là người ký chứng chỉ? Hội có được ra tạp chí khoa học hay không? Tại sao một số tỉnh lại bị bắt làm chi hội y tế tư nhân mà không được lập hội? Có được mời các GS.TS đầu ngành của các nước về giảng dạy, làm việc tại cơ sở y tế tư nhân hay không?

Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho hay: “Chủ trương khuyến khích xã hội hóa y tế là vấn đề rất thiết thực. Pháp luật đang thể chế hóa chủ trương này nhằm phát triển ngành y tế phục vụ tốt nhất cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân”.

Ông Tiên thẳng thắn cho biết: “Trên thực tế, rất nhiều bệnh viện công đang nợ giấy phép nhưng vẫn được hoạt động. Chẳng hạn như nhiều bệnh viện công chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, song với bệnh viện tư phải có đầy đủ các giấy phép theo quy định mới được hoạt động”.

Luật Doanh nghiệp (bao gồm cả hệ thống bệnh viện tư) hiện hành được xây dựng rất chặt chẽ, song chính sự chặt chẽ quá mức đã hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét hủy bỏ hàng loạt các điều khoản không cần thiết để mở cửa cho doanh nghiệp nói chung và bệnh viện tư nhân nói riêng. Dự kiến ngày 13/4, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ làm việc với Bộ Y tế để trao đổi và tìm hướng giải quyết các khó khăn y tế tư nhân đang gặp phải.

Vân Sơn