1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Ý kiến Bộ Y tế trước dư luận về tiền chất PSE

(Dân trí) - Trước thông tin về việc tiền chất Pseudoephedrine (PSE) có trong thành phần của thuốc cảm cúm bị lạm dụng để sản xuất ma túy tổng hợp được dư luận quan tâm, PV <i>Dân trí</i> đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

Ý kiến Bộ Y tế trước dư luận về tiền chất PSE - 1

Bộ Y tế đang khẩn trương kết hợp cùng cơ quan Công an làm rõ nội dung trên.

Sáng ngày 13/9, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Tiền chất là các hoá chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma tuý, được quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành (Luật Phòng chống Ma túy năm 2000).

Tiền chất không phải là chất gây nghiện hay ma túy như các báo đã nêu. Tiền chất luôn có tính hai mặt, vừa được buôn bán, sử dụng công khai nhằm phục vụ đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, song nó cũng dễ bị lợi dụng vào sản xuất ma túy bất hợp pháp. Trên cơ sở thông lệ Quốc tế (Công ước 1988) pháp luật Việt Nam quy định 40 tiền chất cần quản lý, kiểm soát. Bộ Y tế quản lý 8 tiền chất, trong đó có tiền chất Pseudoephedrine, Bộ Công Thương quản lý 32 tiền chất.

Từ nhiều năm qua, trên cơ sở Công ước quốc tế 1988 và pháp luật Việt Nam, Tổ công tác liên ngành kiểm soát tiền chất gồm những đơn vị: Văn phòng Thường trực phòng chống tội phạm và ma túy, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an); Cục Quản lý dược (Bộ Y tế); Cục Hóa chất - Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý kiểm soát tiền chất.

Bộ Y tế đã bắt đầu ban hành Quy chế quản lý tiền chất từ năm 1997. Việc quản lý tiền chất dùng làm thuốc của Bộ y tế trong suốt thời gian qua đến nay là rất chặt chẽ, chưa để xảy ra thất thoát hay bị lạm dụng. Bộ Y tế khẳng định việc cấp phép nhập khẩu trong thời gian vừa qua là chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật.

Việc xuất khẩu, nhập khẩu, dự trù mua, bán nguyên liệu, thuốc thành phẩm đều phải được đồng ý của cơ quan quản lý: Ủy Ban phòng chống Ma túy Quốc tế (INCB); Văn phòng thường trực Phòng chống tội phạm và Ma túy (Bộ Công an) ...

Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu phải được gửi Văn phòng thường trực Phòng chống tội phạm và Ma túy - Bộ Công an; Hải quan cửa khẩu quốc tế nơi tiền chất nhập khẩu hay xuất khẩu và chỉ được xuất khẩu/nhập khẩu qua đúng cửa khẩu này

Sau khi có Giấy phép xuất khẩu hay nhập khẩu, đơn vị, doanh nghiệp trong nước chỉ được xuất khẩu, nhập khẩu khi có thông báo tiền xuất khẩu (Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu/xuất khẩu, đồng ý cho phép nhập khẩu sau khi được sự đồng ý của Văn phòng thường trực Phòng chống tội phạm và Ma túy nước xuất khẩu và nước nhập khẩu).

Về số lượng PSE có tăng hơn so với đầu năm 2010 tập trung các lý do sau: Thuốc thành phẩm ở dạng phối hợp nhập khẩu giảm; Thay thế tiền chất Phenylpropanolamine đã bị cấm sử dụng và lưu hành ở Việt Nam; Thời tiết, khí hậu thay đổi bất thường, dịch cảm cúm bùng phát nên nhu cầu sử dụng tăng.

Về thông tin tiền chất Pseudoephedrine có trong thành phần thuốc cảm cúm bị lạm dụng để sản xuất ma túy tổng hợp. Thông tin đăng tải trên báo vừa qua dễ gây hiểu lầm và gây hoang mang cho nhân dân vì tiền chất PSE không phải là chất gây nghiện - ma túy và càng không nên quy đổi lượng tiền chất PSE dùng để sản xuất thuốc cảm cúm ra lượng ma túy, viết như vậy sẽ làm cho nhiều người không dám sử dụng thuốc cảm cúm dùng để chữa bệnh. Các nhà sản xuất, kinh doanh không muốn kinh doanh các sản phẩm cảm cúm có chứa tiền chất PSE và sẽ dẫn đến không đủ thuốc chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời triệt tiêu sản xuất thuốc trong nước và có thể có nguy cơ buôn lậu qua biên giới gây khó khăn cho công tác quản lý.

Mặt khác, thông tin trên báo như vừa qua cũng dễ làm cho các tổ chức quốc tế hiểu không đúng về công tác quản lý tiền chất của cả hệ thống cơ quan quản lý của Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng có sự tăng đột biến, đó mới chỉ là suy diễn, chưa có cơ sở vì hiện nay chưa có bằng chứng về việc tăng là do tội phạm ma túy lạm dụng và chưa có khảo sát nhu cầu của nhân dân về thuốc cảm cúm.

Trước thông tin có sự lạm dụng chiết tách chất PES đang được Bộ Y tế và Cơ quan Công an điều tra và làm rõ.
Vũ Văn Tiến