Y dược học cổ truyền Việt Nam: Bài toán về nhân lực

(Dân trí) - Kết quả điều tra của một số công trình khoa học cho thấy hiện có khoảng 30% bệnh nhân khám chữa bằng Đông y nhưng lực lượng cán bộ Y học cổ truyền mới chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu.

Đây là thực trạng đáng buồn được nêu ra tại cuộc hội thảo về giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho khoa Y Học Cổ truyền (YHCT) cho TPHCM và các tỉnh phía Nam, do Sở Y Tế TPHCM chủ trì.

 

Thực tế cũng cho thấy nguy cơ không đạt được chỉ tiêu 7.410 bác sĩ YHCT tuyến tỉnh, 5.000 BS và y sĩ tuyến xã năm 2010  là hiện hữu khi mà tính đến thời điểm 7/2007 mới chỉ có 2.758 BS tuyến tỉnh và 5.000 BS tuyến xã. Một cán bộ lãnh đạo Học Viện Y Dược Học Cổ Truyền Việt Nam (HV YDHCT VN) đã tính rằng: “Phải 15 năm sau mới có đủ nhân lực cho nhu cầu hiện tại khi cả 3 hệ thống đào tạo ở Hà Nội, TP HCM và Học Viện YDHCT VN cùng đào tạo một cách tận lực”

 

Theo PGS TS Trương Việt Bình (HV YDHCT VN) thì: “Không chỉ thiếu thốn về nhân lực, mà còn có sự bất công trong việc phân bổ kinh phí của ngành y tế. Trong khi có đến 30% người dân khám chữa bệnh theo phương pháp YHCT mà chỉ có 3% kinh phí ngành y tế dành cho YHCT, còn với 70% người dân chữa bệnh theo y học hiện đại thì lại hưởng đến 97% kinh phí”.

 

Bác Sĩ Trương Thìn, Chủ tịch Hội đông y TPHCM, đã ví von nhân lực ngành đông y như một con chim đang nhảy nhót trong lồng, nhưng cứ kêu gọi phát triển mà cửa lồng (cơ chế) chưa được mở thì làm sao chim có thể bay cao được. Ông cho rằng cần cổ phần hóa hay xã hội hoá trong ngành đông y. Ông cũng kêu gọi hiện đại hoá ngành đông y, bằng cách hoà hợp cả Đông lẫn Tây, dù vậy vẫn cần bảo tồn YHCT truyền thống cách trân trọng, vì thực tế đó là những giá trị đã được kiểm chứng qua bao thời kỳ.

 

Ngọc Thanh