Xuất hiện hội chứng “tay - chân - miệng” tại miền Bắc?

(Dân trí) - Vừa qua, một số bạn đọc của Dân trí phản ánh về việc xuất hiện hội chứng “tay, chân, miệng” tại miền Bắc. Cụ thể là một số trường hợp đã phải nhập viện tại bệnh viện Nhi TƯ với những triệu chứng tương tự của bệnh này.

Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc viện Nhi TƯ, cho đến thời điểm này, bệnh viện chưa tiếp nhận trường hợp nào mắc hội chứng “tay, chân, miệng”. Theo BS Lộc, một số trường hợp đã phải nhập viện tại bệnh viện Nhi TƯ với những triệu chứng tương tự của bệnh này thực chất là bệnh nhi mắc các chứng bệnh do enterovirus các type khác gây nên, chứ chưa tiếp nhận trường hợp nào mắc hội chứng “tay, chân, miệng” do chủng enterovirus type 71. Biểu hiện phổ biến nhất của bệnh "tay chân miệng" là bệnh nhân bị tiêu chảy, sốt cao, co giật, nôn.

 

Đối với hội chứng “tay, chân, miệng”, triệu chứng điển hình của bệnh là sốt cao đột ngột, kém ăn, sưng họng, sau đó bệnh nhân bị co giật, nôn, đi ngoài, rơi vào tình trạng li bì, hôn mê. Một dấu hiệu đặc trưng khác của enterovirus 71 là xuất hiện những nốt phỏng có bọng nước xung quanh mồm, ở rìa bàn tay, bàn chân. Biến chứng nặng nhất của bệnh là gây viêm não dẫn tử vong.

 

Điều đáng nói là một số trường hợp đã nhập viện Nhi TƯ có biểu hiện mụn trong mồm, ở rìa bàn tay, bàn chân - điều này BS Lộc cũng thừa nhận. Tuy nhiên, bác sỹ vẫn khẳng định đây không phải là hội chứng “tay, chân, miệng” do chủng enterovirus type 71.

 

Bệnh “tay, chân, miệng” chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, lây lan rất nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh do nhóm virus đường ruột gây nên và dịch đang xảy ra ở một số tỉnh ở phía Nam nước ta.

 

Bệnh lây lan nhanh từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, nhưng lây phổ biến nhất là qua đường tiêu hoá, phân, đồ thải, chất nôn của bệnh nhân... Enterovirus 71 có thể tồn tại  trong nước ăn, nước uống, nước sinh hoạt hàng ngày.

 

Vì đây là bệnh có thể lây nhiễm và đang có dịch tại các tỉnh phía Nam cũng như chưa thể khẳng định được bệnh đã xuất hiện tại phía Bắc hay chưa, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện khám khi thấy con mình có các triệu chứng như trên.

 

Bác sỹ Lộc cũng cho biết, đến nay vẫn chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu điều trị bệnh mà chủ yếu là các biện pháp điều trị triệu chứng để hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên. Khi trẻ bị bệnh, cha mẹ cần cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu, ăn từ từ từng ít một. 

 

Do hiện nay chưa có vắc xin phòng bất kỳ chủng enterovirus nào nên biện pháp quan trọng bậc nhất vẫn là giữ vệ sinh sạch sẽ.

 

Nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, đặc biệt trước khi ăn uống, chuẩn bị đồ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau mỗi lần thay tã cho trẻ; Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi bằng nước và xà phòng, rồi khử trùng bằng chloraminB.

 

Khi phát hiện người bệnh cần cách ly, tránh những tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung các dụng cụ; Thực hiện vệ sinh ăn uống bằng ăn chín uống sôi, súc miệng bằng các nước sát khuẩn...

 

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm