Xua tan nỗi lo của bệnh nhân sỏi thận
(Dân trí) - Buổi giao lưu “Những phương pháp điều trị sỏi thận hiệu quả” đã khép lại thành công và hy vọng rằng giải đáp của các chuyên gia đã giúp xua tan phần nào nỗi lo của bệnh nhân sỏi thận.
Phần lớn trong số hàng trăm câu hỏi bạn đọc gửi vể là những băn khoăn về phương pháp điều trị nào là hiệu quả nhất cho kích thước sỏi thận cụ thể đang tồn tại trong cơ thể người bệnh.
Theo BS Lê Sĩ Trung, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu BV Việt Pháp: Trên thế giới, cũng như ở Việt Nam hiện nay, các bác sĩ thường áp dụng nhiều phương pháp cho từng đối tượng bệnh nhân khác nhau.
Cách phổ biến nhất là phương pháp mổ mở dành cho các loại sỏi lớn trên 20mm. Nhưng với phương pháp này, người bệnh sẽ phải chịu đựng đau đớn kéo dài, có khả năng biến chứng nhiễm trùng, chảy máu, suy giảm chức năng thận từ 10-30% trong trường hợp sỏi san hô phức tạp, suy yếu thành bụng, thậm chí sỏi còn bị sót. Điều này gây tổn thương và suy giảm sức khỏe rất lớn cho người bệnh sau khi phẫu thuật.
Từ năm 1980, phương pháp nội soi thận qua da chuẩn thức (Standard NLPC) được ứng dụng thành công và trở thành một phương pháp phẫu thuật phổ biến trên thế giới, khắc phục được hầu hết những biến chứng hậu phẫu cho bệnh nhân. Chức năng thận tạm chấp nhận mức suy giảm dưới 1%, tỷ lệ chảy máu cũng chỉ khoảng 2%. Đây là tín hiệu tốt cho những bệnh nhân sỏi thận. Tuy nhiên, phương pháp này lại chỉ thường áp dụng ở những bệnh nhân có sỏi lớn hơn 20mm hoặc sỏi san hô.
Với các trường hợp sỏi nhỏ hơn 10mm, thì phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể được áp dụng. Tuy nhiên, nếu sỏi quá cứng hoặc ở đài dưới thận hay có bất thường về giải phẫu thì có thể là nguyên nhân gây thất bại, ngay cả khi bệnh nhân đã phải tán nhiều lần.
Và phương pháp mới nhất hiện nay là phẫu thuật nội soi thận qua da siêu nhỏ (Ultra-mini NLPC) dành cho các trường hợp sỏi có kích thước từ 10-20mm. Phương pháp này đã được các bác sĩ BV Việt Pháp nghiên cứu và ứng dụng thành công từ tháng 10/2012.
BS. Lê Sĩ Trung, Trưởng khoa Tiết niệu và bác sĩ Jean Claude Mignotte, Khoa gây mê hồi sức - BV Việt Pháp Hà Nội;
Giải thích, về phương pháp mới nhất phẫu thuật nội soi thật qua da siêu nhỏ, BS Lê Sĩ Trung cho biết:
Nếu nội soi thận qua da chuẩn thức (Standard NLPC) được các bác sĩ rạch 10mm tại vùng lưng để đưa dụng cụ vào tán sỏi và hút ra thì với phương pháp nội soi thận qua da siêu nhỏ (Ultra-mini NLPC), vết rạch chỉ còn 4,5mm. Đây là thành quả nhiều năm nghiên cứu của các bác sĩ, giúp bệnh nhân sỏi thận giảm thiểu sang chấn sau mổ (chức năng thận chỉ bị mất dưới 0,12%), ít đau nhất và thời gian điều trị rút ngắn chỉ còn 1-2 ngày.
Và mặc dù có hạn chế về kích thước sỏi do tính chất “siêu nhỏ” của phương pháp nhưng đây vẫn là một sự lựa chọn lý tưởng cho những bệnh nhân sỏi thận có kích thước 10-20mm hoặc sỏi niệu quản có kích thước tương tự nằm ở 1/3 trên, đặc biệt với những trường hợp thất bại sau tán sỏi ngoài cơ thể hoặc nội soi niệu quản và có thể áp dụng ngay trên trẻ nhỏ.
Về kỹ thuật gây mê trong từng phương pháp mổ nội soi lấy sỏi, BS Jean Claude Mignotte, Khoa gây mê hồi sức BV Việt Pháp Hà Nội, cho biết: “Kỹ thuật gây mê trong các phương pháp lấy sỏi thận là không khác nhau mà chủ yếu phụ thuộc vào thể trạng và tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Đối với phương pháp lấy sỏi ngoài cơ thể (LEC) và mổ nội soi niệu quản ngược dòng lấy sỏi cộng đặt ống thông niệu quản thì thời gian gây mê ngắn. Đối với kỹ thuật mổ nội soi tán sỏi qua da, thời gian gây mê kéo dài lâu hơn so với 2 phương pháp trên”.
Cụ thể, đối với phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể (LEC), bệnh nhân cần phải ở trong phòng hồi sức sau mổ khoảng 1 tiếng và xuất viện khoảng 1 ngày sau đó và có thể đi làm lại được luôn.
Đối với mổ nội soi tán sỏi thận qua da (NLPC), bệnh nhân phải ở lại phòng hồi sức khoảng 2 tiếng và 2, 3 ngày sau mới có thể đi làm lại bình thường.
Đối với phương pháp là mổ nội soi niệu quản ngược dòng lấy sỏi và đặt ống thông niệu quản, việc gây mê và hồi sức sau mổ sẽ phụ thuộc vào mức độ khó của bệnh lý và thời gian mổ. Trung bình, bệnh nhân cũng chỉ cần hồi sức sau mổ khoảng 1 tiếng.
Tại bệnh viện Việt - Pháp, cả ba phương pháp này đều được tiến hành dưới gây mê toàn thân. Đối với LEC, thời gian gây mê chưa đến 1 tiếng. Còn đối với phương pháp NLPC và mổ nội soi niệu quản ngược dòng lấy sỏi và đặt ống thông niệu quản, thời gian gây mê phụ thuộc vào mức độ khó và vị trí của viên sỏi, có thể kéo dài đến 2,3 tiếng.
BS Jean Claude Mignotte cũng lưu ý những trường hợp đặc biệt như bị suy thận thì cần phải áp dụng 1 số kỹ thuật đặc biệt khi gây mê hay như trường hợp đặt stent động mạch vành thì cần phải ngừng dùng thuốc Plavix (nếu có) trước 10 ngày và sử dụng các loại thuốc chống đông thay thế khác sẽ do bác sĩ gây mê chỉ định.
Một vấn đề khác cũng được bạn đọc quan tâm là chi phí điều trị và bảo hiểm xã hội có chi trả cho những kỹ thuật cao và mới này?
Theo BS Lê Sĩ Trung, tuỳ vào tình trạng bệnh và phương pháp thực hiện.
Ví dụ với sỏi thận 12mm nằm ở nhóm đài dưới thì nên áp dụng phương pháp nội soi thận qua da siêu nhỏ với chi phí là khoảng 40 triệu đồng, thời gian nằm viện chỉ là 1-2 ngày.
Hay như trường hợp sỏi niệu quản cũng có đường kính 12mm mà không thể điều trị bằng thuốc tán sỏi (do sỏi có thành phần hóa học không phải là là axit uric hoặc cystine) thì nên sử dụng phương pháp nội soi niệu quản ngược dòng với chi phí cho phương pháp này tại BV Việt - Pháp Hà Nội khoảng 30 triệu đồng.
Về chi trả theo chế độ bảo hiểm, bác sĩ Trần Quốc Khoa, Trưởng phòng hành nghề y ngoài công lập, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Bảo hiểm xã hội chỉ chi trả mức phí điều trị sỏi theo quy định của Bộ Y tế, phần còn lại người bệnh phải đồng chi trả”.