Xử lý lại chống dính cho xoong nồi: Có thể “rước” độc

Qua thời gian sử dụng, những chiếc nồi, chảo chống dính tiện dụng tuy vẫn còn dùng tốt nhưng lại bị xước, bong tróc lớp chống dính và một dịch vụ ăn theo đã ra đời: Xử lý chống dính cho nồi chảo cũ.

Chống dính cho mọi loại chất liệu

 

Những chảo xào nấu và cả nồi cơm điện của gia đình lâu ngày bị bong mất lớp chống dính, chị Hồng Nga (Thụy Khuê, Tây Hồ) nghe mấy bà nội trợ bảo có thể xử lý lại như mới được, đã thử tìm đến một cửa hàng sửa chữa đồ điện gia dụng, nơi có đề tấm biển quảng cáo nhận xử lý chống dính. Ông chủ cửa hàng đưa cho chị xem mấy sản phẩm nồi chảo vừa được tráng lớp chống dính mới, đen sạm như màu cát cháy, sờ vào cũng trơn và láng mịn như những chiếc chảo mới. 

 

Ông này cam đoan rằng đây là loại chống dính tốt: tuy nhiên, lớp tráng rất mỏng và chỉ cần cọ nhẹ móng tay vào đã để lại ngay một vết xước. Ông còn “giới thiệu” thêm rằng “công nghệ” này không chỉ làm mới các sản phẩm cũ mà còn có thể tráng cho bất kể loại xoong nồi nào, kể cả nồi nhôm, gang. Lời quảng cáo này làm chị Nga nhớ lại khoảng hai năm trước chị đã mua ở chợ biên giới Lạng Sơn với giá 45.000đ, nhưng mang về dùng mới được một vài lần, sau khi cọ rửa đã trơ lớp sắt gỉ trong.

 

Chúng tôi tìm đến một vài điểm nhận xử lý chống dính khác ở Cầu Giấy, Châu Long, Thái Hà, Kim Liên hay Ngã Tư Sở… Ở đâu chúng tôi cũng nhận được những lời cam đoan hết sức chung chung, đại loại như là sau khi xử lý, các loại nồi chảo chống dinh cũ sẽ “trông như mới”, giúp quá trình nấu nướng nhanh, “ít tốn dầu mỡ, sẽ tốt hơn cho sức khoẻ”, lớp chống dính bằng “chất liệu tốt, đảm bảo an toàn”. Giá cả còn tùy thuộc vào kích thước nồi chảo, nhưng cũng chỉ dao động khoảng từ 20.000 - 60.000đ.

 

Khi chúng tôi gạn hỏi về chất liệu thì ông chủ cừa hàng ở Cầu Giấy bối rối trả lời rằng: “Chất liệu là chất chống dính chứ còn gì nữa, làm có bảo hành hẳn hoi thì lo gì chất lượng không tốt”. Ông quay sang giải thích với chúng tôi về cách sử dụng và bảo quản xoong nồi chống dính như thế nào sau khi được xử lý. Tuy nhiên trong tờ giấy phô tô hướng dẫn “chế độ bảo hành” thì rất nhiều lỗi không được bảo hành đều do người sử dụng, ví dụ như “cọ rửa mạnh”, “xào nấu bằng vật dụng cứng”, “đun nấu ở nhiệt độ cao…”.

 

Có thể chỉ là lớp sơn chịu nhiệt, rất độc hại

 

TS La Thế Vinh, khoa Công nghệ Hoá học, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, xử lý chống dính cho nồi chảo thường sử dụng kết hợp chất kết dính dạng dung dịch và chất màu - màu đen hoặc xám. Để tạo màu, người ta có thể sử dụng chất màu vô cơ như oxit của các kim loại (crôm, titan, sắt, đồng, chì, mangan, coban…) hoặc hỗn hợp một số oxit kim loại với tỷ lệ khác nhau.  

 

Các oxit kim loại kể trên đều độc hại đối với cơ thể. Chất màu hữu cơ, chẳng hạn như bột teflon, ít độc hại hơn nhưng khả năng chịu nhiệt kém, dễ cháy. Nếu bị phá huỷ lẫn vào thành phần thức ăn cũng không tốt cho sức khoẻ, đặc biệt đối với hệ hô hấp và tiêu hoá. Sản phẩm của các hãng uy tín, được sản xuất theo quy chuẩn chặt chẽ thì có thể giảm bớt những nguy cơ độc hại; còn đối với những nơi sản xuất gia công thì không thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm cũng như độ an toàn đối với sức khoẻ người tiêu dùng.

 

Vẫn theo TS Vinh, ngoài chất màu, lớp chống dính còn cần đến dung dịch kết dính, có hai loại vô cơ và hữu cơ. Các dung dịch kết dính hữu cơ có thể được sử dụng như polyme hữu cơ như cơ silic, cơ magie (hợp chất cơ kim), trong quá trình sử dụng nếu bị bong tróc sẽ có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp và hệ tiêu hoá. Với một lượng dù rất nhỏ các nguyên tố kim loại độc hại như Crôm (Cr), Chì (Pb) hoặc Mangan (Mn) lẫn vào trong thức ăn cũng có thể ngấm vào máu, hay ảnh hưởng lâu dài đến hệ thần kinh, tiêu hoá, thậm chí có nguy cơ gây ung thư.

 

Hiện nay để giảm giá thành, người ta có thể chỉ dùng một loại sơn chịu nhiệt mà người dùng không thể phân biệt được. Loại sơn này chỉ được phép dùng trong công nghiệp chứ không được phép sử dụng trong việc sơn các dụng cụ nấu ăn. Do vậy, tuyệt đối không nên sử dụng dịch vụ xử lý chống dính thủ công cho xoong nồi, hay chảo nấu khi chưa biết nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm, sẽ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

 

Theo Lê Na

Sức khỏe & Đời sống