Xơ gan do rượu nguy hiểm như thế nào?

(Dân trí) - Xơ gan không chỉ do viêm gan virus gây ra, mà rượu cũng là tác nhân dẫn đến tình trạng này. Khi đã xơ gan do rượu sẽ không thể phục hồi, tiến triển nặng có thể dẫn đến nguy cơ ung thư gan.

Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng xơ gan vì rượu rất phổ biến. Trong khi đó, xơ gan không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà chỉ điều trị triệu chứng, bởi lá gan đã xơ sẽ bị giảm tác dụng lọc, thải chất độc cho cơ thể.

Theo các chuyên gia, bệnh nhân xơ gan do rượu ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, có những bệnh nhân 45 - 50 tuổi đã xơ gan. Bệnh nhân xơ gan phần lớn là người nghiện rượu, uống nhiều rượu lâu năm. Có những người chỉ từ một số chén rượu ban đầu khi đi tiếp khách, rồi tần suất sử dụng tăng lên, uống thường xuyên và dẫn đến xơ gan.

Hay có bệnh nhân, gan đã xơ, men đã tăng nhưng vẫn uống rượu "bổ", rượu ngâm đủ loại để bồi bổ cơ thể, không bổ ngang cũng bổ dọc.

Trong khi đó, cồn trong bia rượu là ethanol, đây là chất không gây độc nhưng khi uống bia rượu, ethanol vào cơ thể sẽ chuyển hóa phần lớn tại gan tạo thành acetaldehyde. Đây là chất gây tổn thương tế bào gan dẫn đến gan thoái hóa mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan và ung thư gan. Chất này cũng là yếu tố gây ra ung thư những cơ quan trong cơ thể.

Bệnh nhân không ý thức được việc uống rượu quá nhiều như vậy có thể gây ảnh hưởng rất xấu đến gan. Uống rượu nhiều sẽ làm tổn thương bộ phận gan, tế bào gan bị hoại tử, thoái hóa mỡ, tổ chức xơ phát triển. Xơ gan làm ảnh hưởng mạnh đến các quá trình chuyển hóa của cơ thể như khả năng chống độc, tạo mật, quá trình đông máu... Men gan tăng cao thể hiện các tế bào gan bị tổn thương và bất cứ loại rượu nào, kể cả rượu xịn, rượu ngâm đều tăng gánh nặng cho gan, ảnh hưởng đến chức năng gan.

Từ thực tế điều trị, các chuyên gia cảnh báo bệnh nhân xơ gan có nguyên do từ rượu đứng thứ hai, chỉ sau xơ gan do virus viêm gan B, trong khi đó, xơ gan là nguy cơ dẫn đến ung thư gan.

Theo các chuyên gia, lượng cồn đi vào cơ thể ở mức an toàn là một đơn vị/ngày. Nếu vượt quá, tế bào gan hoạt động quá tải, cồn trong rượu chuyển hóa thành acetaldehyde - đây không chỉ là một chất độc hại đối với gan mà còn làm tổn thương đến cả hệ thần kinh, thị giác, tiêu hóa….

Thực tế đời sống hàng ngày là vẫn cần có bia rượu như những hương vị của cuộc sống, nhưng chúng ta không nên uống quá nhiều đặc biệt là không nên thường xuyên uống bia rượu, vì dễ gây cảm giác nghiện hay phụ thuộc rượu cũng như bệnh tật do bia rượu gây ra.

Một đơn vị cồn tương đương với:

- 3/4 lon bia 330 ml (5%);

- Một cốc bia hơi 330 ml (4%);

- Một ly rượu vang 100 ml (13,5%);

- Hoặc một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40 ml (30%)

Hồng Hải