Xơ gan có nguy cơ tiến triển thành ung thư gan không?
(Dân trí) - Xơ gan là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương liên tục trong một thời gian dài, các mô sẹo sẽ liên tục thay thế các mô bị tổn thương dẫn tới xơ gan.
Xơ gan là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương liên tục trong một thời gian dài, các mô sẹo sẽ liên tục thay thế các mô bị tổn thương dẫn tới xơ gan. Khi các mô sẹo xuất hiện ngày càng nhiều sẽ ngăn chặn dòng máu lưu thông qua gan, làm suy giảm chức năng gan nghiêm trọng.
Xơ gan tùy theo từng mức độ sẽ có nguy cơ tiến triển thành ung thư gan. Theo các chuyên gia, xơ gan làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan lên ít nhất 40 lần so với nguy cơ của một người bình thường.
Việc phát hiện sớm nguy cơ xơ gan sẽ giúp bệnh nhân được điều trị sớm, kiểm soát để tiến triển của bệnh chậm hơn.
Tình trạng xơ gan hoàn toàn có thể được phát hiện dựa vào các phương pháp như: xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng.
Trong đó, siêu âm là phương pháp đơn giản, nhanh gọn, không xâm lấn và có thể thực hiện nhiều lần. Qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ sẽ đánh giá được kích thước gan to hay nhỏ, cấu trúc của gan, bờ của gan có gồ ghề hay có sẹo không, có xuất hiện các bất thường như gan nhiễm mỡ, áp xe, khối u trong gan. Nếu siêu âm màu, bác sĩ có thể thấy được các mạch máu trong gan rõ ràng hơn và các hướng đi của dòng máu chảy trong gan.
Xơ gan chia làm nhiều giai đoạn từ nhẹ đến nặng, trong đó xơ gan giai đoạn 3 ( xơ gan F3) là giai đoạn muộn của xơ gan.
Lúc này gan đã bị mất chức năng đáng kể, các tế bào gan đã không còn khả năng bù lại cho những tế bào đã bị xơ hóa trước đó. Ở giai đoạn xơ gan cấp độ 3, 80% đến 90% cấu trúc của gan đã bị các tổ chức xơ phá hoại nặng nề và gần như không còn khả năng phục hồi. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn này thì hầu như các phương pháp điều trị không thực sự phát huy hiệu quả và người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc phục hồi chức năng gan.
Lúc này người bệnh sẽ có các triệu chứng như: Rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa, vàng da, vàng mắt, cổ trướng...