1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Xịt thơm chỉ giúp “che đậy” chứng hôi miệng

Để tự tin hơn trong giao tiếp, có người đã lựa chọn các dạng xịt thơm, chống hôi miệng giúp cho hơi thở thơm tho. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, những loại xịt này chỉ làm thơm miệng tức thì, thậm chí nếu lạm dụng còn có thể làm tăng nặng chứng bệnh khó chịu này.

 

Thơm mát...


 

Thơm mát...

 

Anh Đặng Văn Sơn (77 Nghĩa Dũng, Hà Nội) mắc chứng hôi miệng rất khó chịu. Hơi thở nặng mùi gây cho anh không ít khó khăn trong giao tiếp, không chỉ đối với người ngoài mà ngay cả với vợ con, người thân. Anh Sơn đã tìm mua dung dịch xịt thơm miệng như một giải pháp cứu cánh. “Mỗi lần xịt miệng, tôi thấy thơm mát, dễ chịu. Tất nhiên mình không thể tự kiểm tra hiệu quả đối với hơi thở của mình, nhưng qua phản ứng của người cùng giao tiếp tôi thấy dường như mình không còn vấn đề gì với hơi thở nữa. Tôi thường xịt ban ngày, sau các bữa ăn và trước những cuộc gặp quan trọng để có thể tự tin nói chuyện”, anh Sơn chia sẻ. “Tuy nhiên, vì dung dịch xịt không tác dụng được lâu, nên có những ngày tôi phải xịt nhiều lần. Khi đó, tôi thường có cảm giác hơi khô miệng”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các sản phẩm xịt chống hôi miệng được bán khá nhiều trên thị trường, phong phú từ chủng loại đến giá cả. Có thể dễ dàng tìm mua các sản phẩm xịt thơm miệng với những nhãn hiệu nước ngoài như Fresher Breath, NuSkin AP24, Lô hội Perfect Mouth Spray, Sweet Breath, Perlodent, Donto Dent... hay cả những nhãn hàng trong nước cũng cung cấp đến hàng chục loại dung dịch xịt với hương vị khác nhau như bạc hà lạnh, chanh tươi, trà xanh, quế... Giá bán các sản phẩm xịt thơm miệng dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn một lọ khoảng 8 - 10ml, có những loại dung tích đến 30ml, có thể xịt được khoảng vài trăm lần.

 

Theo TS Jonathan B. Levine, Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, xịt thơm miệng thực chất cũng giống như một loại xúc miệng bỏ túi, một nhát xịt nhanh có thể thực hiện ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, cho bạn cảm giác thơm mát tức thì. Nhưng hầu hết các dạng dung dịch xịt có tác dụng không hơn gì một sự "ngụy trang" nhanh cho vi khuẩn. "Hầu hết các dung dịch xịt thơm miệng đều chứa cồn và đường saccharin, là những thành phần mà bạn hoàn toàn không nên đưa vào miệng". Đường saccharin là một chất tạo ngọt, mà theo TS Jonathan B. Levine, đã luôn gây tranh cãi về nguy cơ ung thư.

 

Nguy cơ khô miệng, tăng mùi hôi

 

TS nha khoa De Vizio, Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ cũng cho rằng, các dạng xịt hay xúc miệng thực chất cũng chỉ là một loại mỹ phẩm nói chung và không có tác dụng kéo dài đối với chứng hôi miệng. Nếu bạn thực sự cần phải dùng đến các sản phẩm giúp hơi thở thơm tho, hãy đến nha sĩ tìm hiểu nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp. “Bạn nên tránh dùng xịt thơm miệng để trị chứng hôi miệng. Xịt chỉ giúp che đậy chứ không chữa đươc mùi khó chịu đó. Hơn nữa, nếu loại xịt bạn dùng có chứa cồn, nó sẽ góp phần làm chứng hôi miệng của bạn nặng thêm, bởi cồn làm bạn khô miệng. Những biểu hiện khô miệng bất thường cũng là nguyên nhân gây hôi miệng”, TS De Vizio khẳng định.

 

Bạn nên chải răng, nướu và lưỡi sau mỗi bữa ăn. Dùng chỉ nha khoa hằng ngày để loại bỏ vi khuẩn và các thức ăn thừa còn bám lại ở các kẽ răng, xung quanh nướu. Vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ giúp giảm đáng kể nguyên nhân gây hôi miệng, chứ không chỉ là che đậy chứng hôi miệng như việc bạn dùng xịt.

TS Nguyễn Đức Thắng, Trưởng khoa Nha chu, Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư cũng cho biết, chỉ một số loại thuốc xịt là có tác dụng thực sự nhưng cần sự thăm khám của bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân gây hôi miệng và kê đơn điều trị. Còn các loại dung dịch xịt được bán trôi nổi ngoài thị trường chủ yếu chỉ có tác dụng làm mát, khử mùi hôi tức thời, chứ không giúp triệt tận gốc chứng bệnh này.

 

BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế cũng cho rằng, chứng hôi miệng có thể do nhiều nguyên nhân gây nên, chẳng hạn như các bệnh về răng như viêm nha chu, nướu lợi, viêm tủy răng, viêm họng, hở tâm vị dạ dày hoặc cũng có thể do vệ sinh kém, các mảng bám khiến vi khuẩn lên men, thối rữa và tạo nên mùi hôi. Xịt thơm miệng không giúp điều trị các nguyên nhân này, mà thậm chí chất cồn trong thành phần xịt giúp dung dịch bay hơi nhanh còn làm khô niêm mạc miệng, mất độ ẩm tự nhiên của khoang miệng.

 

Theo Lê Na

Khoa học & Đời sống