Xì mũi thế nào mới đúng?

(Dân trí) - Đợt cảm lạnh vửa qua đã làm bạn “đi” nguyên cả hộp khăn giấy. Xì mũi, vứt giấy đi, rồi lại xì mũi. Cho dù có thường xuyên xì mũi thế nào đi nữa, thì nước mũi vẫn không ngừng chảy ra. Đôi khi có vẻ như không bao giờ kết thúc.

Đây là một kịch bản quen thuộc và thường vô hại, nhưng có một số nguy hiểm bất ngờ ẩn giấu trong tất cả những hành động này. Người ta đã chỉ ra rằng xì mũi quá mạnh có thể gây ra một số tổn thương thực sự. Vậy điều gì tồi tệ nhất có thể xảy ra?

Xì mũi thế nào mới đúng? - 1

Những người hay xì mũi mạnh cần biết

Mặc dù cực kỳ hiếm, một số tai biến thực sự đã được ghi nhận trong y văn, bao gồm rách thực quản và đau đầu nghiêm trọng do không khí bị đẩy vào hộp sọ. Mặc dù rất khó xảy ra, nhưng xì mũi quá mạnh cũng có thể gây thủng màng nhĩ hoặc vỡ hốc mắt.

Có những báo cáo về các biến chứng ở những người không bị bệnh gì khác, nhưng những trường hợp lạ này thường liên quan đến một vấn đề tiềm ẩn xuất phát từ phẫu thuật hoặc chấn thương trước đó. Nếu có chỗ khuyết ở xương ngăn cách mắt hoặc não với mũi, thì xì mũi mạnh có thể đẩy không khí vào những khoang này, và có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn ảnh hưởng đến thị lực hoặc hệ thống thần kinh trung ương.

Bạn khó có khả năng gây hại đáng kể nếu lấy khăn giấy và xì mũi, nhưng có những nguy cơ ít nghiêm trọng hơn, phổ biến hơn cần biết. Xì mũi mạnh có thể làm vỡ các mạch máu nhỏ và dẫn đến chảy máu mũi cam, và một nghiên cứu đã chứng minh rằng cách làm này có thể đẩy nước mũi vào xoang. Mặc dù chưa hoàn toàn được chứng minh, nghiên cứu gợi ý về tăng nguy cơ viêm tai hoặc viêm xoang từ đợt cảm lạnh.

Làm sạch mũi thế nào mới đúng

Xem xét các nguy cơ cả thông thường và hiếm gặp, các chuyên gia khuyên bạn nên bỏ cách xì thật mạnh cả hai bên mũi và thay thế nó bằng một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn. Xử lý từng bên mũi một có thể giúp hạn chế sự gia tăng áp lực mà hầu hết các biến chứng có liên quan, và sử dụng các phương pháp điều trị thích hợp có thể làm giảm lực cần thiết để làm thông mũi.

Thuốc chống sung huyết đường uống hoặc dạng xịt mũi có thể làm thông đường mũi và giúp nước mũi thoát dễ dàng hơn, nhưng không nên sử dụng thuốc chống sung huyết dạng xịt mũi trong ba ngày liên tiếp, nếu không hiệu ứng “hồi ứng” có thể khiến các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

Một lựa chọn khác là làm sạch mũi mà không cần xì mũi. Xem xét sử dụng nước muối sinh lý hoặc rửa nhẹ nhàng để đưa chất nhầy ra khỏi đường mũi. BS. Warren A. Woodworth, giảng viên Khoa Tai mũi họng Birmingham, Đại học Alabama nhận xét: “Cách này thường hiệu quả nhất, và đó là những gì tôi sử dụng mỗi khi bị cảm lạnh”.

Cẩm Tú

Theo Menshealth