Xét nghiệm AFP tầm soát ung thư gan
Tầm soát ung thư gan để phát hiện những dấu hiệu của bệnh là vô cùng quan trọng. Xét nghiệm AFP là một trong những phương pháp tầm soát chẩn đoán ung thư gan được ứng dụng nhiều nhất hiện nay.
Ở người bình thường, nồng độ AFP trong máu rất thấp, không vượt quá 10 ng/ml. Bệnh nhân có dấu hiệu bị ung thư gan thì nồng độ AFP sẽ cao hơn mức bình thường. Theo BS Đoàn Thu Hương, BV Đa khoa Medlatec, một số trường hợp đặc biệt trong cơ thể đã có AFP cao hơn so với những người khác. Vậy nên muốn có kết quả thật chuẩn xác, ngoài tiến hành xét nghiệm AFP, người bệnh nên làm thêm các loại xét nghiệm khác theo sự chỉ định của bác sĩ.
AFP được tổng hợp nhiều trong gan. Đối với trẻ em vừa mới sinh, nồng độ AFP trong máu khá cao. Sau đó theo thời gian, khi cơ thể trưởng thành, nồng độ này cũng sẽ giảm dần. Nồng độ AFP lên tới 400ng/ml có ý nghĩa rất lớn trong chẩn đoán ung thư gan.
Tuy nhiên, trên thực tế có một số trường hợp nồng độ AFP trong máu cao nhưng lại không bị bệnh ung thư gan mà họ có thể chỉ bị những bệnh khác liên quan tới gan như gan mạn, viêm gan, xơ gan … Hoặc ở phụ nữ có thai, AFP cũng tăng cao. Bên cạnh đó, cũng có những bệnh nhân bị ung thư gan nhưng AFP lại không tăng.
Do vậy, để kết quả chẩn đoán ung thư gan chính xác hơn, các nhà khoa học Nhật Bản đã tiếp tục nghiên cứu và phát hiện ra 2 chỉ số quan trọng để nhận biết bệnh đó là AFP L3 và DCP. Những bệnh nhân bị HCC sẽ có mức độ AFP, AFP L-3% và DCP cao hơn rõ rệt so với những người thường hoặc những người có bệnh khác về gan.
Ung thư gan có một số triệu chứng ở giai đoạn sớm giống như các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển, bao gồm chán ăn; đau, nặng tức vùng hạ sườn phải, trướng bụng; vàng da, củng mạc mắt. Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh như sụt cân; buồn nôn, nôn; mệt mỏi; chán ăn; trướng bụng; đau, nặng tức vùng hạ sườn phải; ngứa; vàng da, củng mạc mắt; đi ngoài phân trắng/bạc màu.
Hiện nay Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ mắc ung thư gan cao nhất thế giới, bệnh có xu hướng gia tăng. Đáng lưu ý đây cũng là loại ung thư có tỷ lệ tử vong hàng đầu cho cả hai giới, đa số bệnh nhân đến khám khi đã muộn, thời gian sống trung bình không quá một năm. 60% đến viện khi đã ở giai đoạn trung gian và tiến triển, tỷ lệ được phát hiện sớm rất thấp. Nếu phát hiện sớm, bác sĩ có thể cắt bỏ phần gan có khối u, ghép gan, nút mạch gan bằng hóa chất, xạ trị, hóa trị...kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Theo Khoa học và đời sống