Xét nghiệm 10 làng ung thư, hai Bộ vênh nhau

Bộ Y tế cho rằng chưa có mối liên quan giữa các trường hợp mắc ung thư và chất lượng nước của người dân tại các làng này.

Ngày 21/12, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết đã có văn bản gửi đến các Sở Y tế TP Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận để thông báo kết quả xét nghiệm tại 10 làng ung thư ở các địa phương này.

Có sai số lớn

Chiều cùng ngày, qua trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Sức khỏe môi trường cộng đồng, Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, cho biết Bộ ra văn bản này gửi Sở Y tế các tỉnh để thông báo tới người dân kết quả điều tra mà Bộ Y tế đã thực hiện để người dân yên tâm, không nên hoang mang, lo lắng.

Ông Cường cho biết mới đây Bộ TN&MT đã đưa ra kết quả điều tra, đánh giá về 10 làng có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nghi ngờ nguyên nhân gây ung thư. Tuy nhiên, theo ông Cường, Bộ TN&MT không có chức năng, chuyên môn về y tế nhưng họ lấy mẫu nước, lấy số liệu về bệnh tật rồi đưa ra kết quả về bệnh tật. Do đó đã xảy ra sai số lớn, đặc biệt là sai số về tỉ lệ người mắc bệnh ung thư tại những địa phương này.

“Phương pháp điều tra của Bộ TN&MT không chính xác. Họ lấy mẫu nước mặt (nước sông) và nước ngầm để điều tra và nói rằng đó là nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm nặng, gây ra tỉ lệ người mắc ung thư cao. Nhưng thực tế hiện nay người dân đâu có dùng nước sông, giờ các hộ gia đình đều dùng nước máy. Như vậy, kết quả điều tra mà Bộ TN&MT đưa ra là không có cơ sở khoa học, gây hoang mang cho người dân, cần lập hội đồng khoa học để làm sáng tỏ vấn đề” - ông Cường cho biết.

Phế thải từ quá trình tái chế nhôm gây ô nhiễm tại làng Mẫn Xá, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: T.PHAN
Phế thải từ quá trình tái chế nhôm gây ô nhiễm tại làng Mẫn Xá, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: T.PHAN

Tỉ lệ tương đương mức trung bình quốc gia

Theo Bộ Y tế, ung thư liên quan đến nhiều yếu tố, do nhiều nguyên nhân, cụ thể như chế độ ăn uống, sinh hoạt, lối sống, môi trường… Không thể nói vì nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân gây ung thư tại những làng này. Vì vậy, ngay khi Bộ TN&MT đưa ra kết quả khảo sát, Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành tổ chức các đoàn kiểm tra đến từng hộ gia đình có người mắc ung thư lấy mẫu nước ăn uống để xét nghiệm nhiều chỉ tiêu. Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu nước ăn uống, sinh hoạt đều có hàm lượng chất hữu cơ, hóa chất bảo vệ thực vật và kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả này khác hoàn toàn với kết quả của Bộ TN&MT đưa ra trước đó.

Về số liệu người mắc bệnh ung thư, ông Cường khẳng định số liệu điều tra của Bộ Y tế không khác biệt so với con số điều tra mà toàn quốc đã thực hiện.

Cụ thể, tỉ lệ mắc ung thư các làng đã điều tra dao động 73-169 trường hợp/100.000 dân, tương đương với tỉ lệ mắc ung thư chung của toàn quốc (tỉ lệ mắc mới ung thư tại Việt Nam là 135/100.000 dân đối với nữ và 181,3/100.000 dân đối với nam), thấp hơn so với tỉ lệ chung của thế giới (182/100.000 dân). Các loại ung thư chủ yếu gặp phải là ung thư gan, phổi, dạ dày, vòm, hầu họng, lưỡi, tử cung, máu, xương.

“Số liệu chúng tôi thu được từ các viện nghiên cứu đầu ngành của Bộ Y tế, theo đó tỉ lệ mắc ung thư tại những địa phương này đều nằm trong mức trung bình toàn quốc, không có gì khác biệt. Việc Bộ TN&MT dùng từ “làng ung thư” là không có cơ sở khoa học. Chúng tôi sẽ lập hội đồng khoa học để đánh giá lại vấn đề này, đồng thời sẽ mời Bộ TN&MT sang trình bày về kết quả điều tra của họ để các thành viên hội đồng khoa học đánh giá” - ông Cường nhấn mạnh.

Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của Việt Nam” giai đoạn 1 do Bộ TN&MT triển khai thực hiện từ năm 2011 đến 2015 đã điều tra nguồn nước 37 làng, được gọi là làng ung thư, thuộc 22 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo Bộ TN&MT, dự án này có mục đích giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư, bảo vệ cuộc sống cộng đồng.

Thông qua kết quả điều tra, ban quản lý dự án kết luận số người chết vì ung thư có liên quan tới nguồn nước bị ô nhiễm. Điểm chung là nguồn nước tại những nơi này đều bị ô nhiễm nặng do nhiễm bẩn vi sinh, một số mẫu có hàm lượng phenol, arsen hoặc mangan vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

Theo số liệu do các cơ quan y tế địa phương cung cấp, tại các xã của 37 làng ung thư đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư. Ngoài ra còn có 380 người ở các xã lân cận cũng chết bởi ung thư. Số người chết vì bệnh ung thư vừa nêu là tính trong vòng 5-20 năm trở lại đây.

Theo Phương Nam - Hương Giang

Pháp luật TPHCM