Xây dựng chiến lược đối phó với gánh nặng viêm gan vi rút

(Dân trí) - Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ nhiễm viêm gan B, viêm gan C cao và gây những hệ lụy nặng nề từ tình trạng này như ung thư, xơ gan...

Tại Hội thảo triển khai Kế hoạch phòng chống bệnh viên gan vi rút giai đoạn 2015 - 2019 diễn ra ngày 29/5 tại Hà Nội, ThS. Vũ Ngọc Long, Phó trưởng Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng cho biết: tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan của một số nhóm dân cư từ 8 - 25% đối với vi rút viêm gan B và khoảng 2,5 - 4,1% với vi rút viêm gan C, đồng thời cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan A, D, E trong số bệnh nhân viêm gan nhập viện.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chủ trì hội nghị. Ảnh: Thu Hương
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chủ trì hội nghị. Ảnh: Thu Hương

Đáng ngại, tình hình nhiễm vi rút viêm gan B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ mang thai cũng từ 10-20%. Đây là yếu tố nguy cơ cao làm tăng nguy cơ lây truyền mẹ con khi chuyển dạ đẻ và là nguyên nhân gây viêm gan mạn tính ở trẻ em.

“90% trẻ nhiễm viêm gan vi rút B sau sinh hoặc nhiễm trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính. Trong khi đó, viêm gan mạn tính là vấn đề y tế nghiêm trọng ở Việt Nam do nguy cơ gây ung thư”, ThS Long cho biết.

Bên cạnh đó, tình trạng đồng nhiễm viêm gan vi rút và HIV cũng ở mức đáng lo ngại. Theo ông Bùi Đức Cương, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, một điều tra tiến hành năm 2009 về bệnh lây qua đường tình dục trong nhóm tiêm chích ma túy cho thấy, tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút B là 15,1%, tỷ lệ đã từng nhiễm viêm gan vi rút B là 58,7%. Tương tự, tỷ lệ hiện nhiễm hoặc đã từng nhiễm vi rút viêm gan C là 58%. Trong khi đó, tình trạng đồng nhiễm HIV và viêm gan B/C có thể ảnh hưởng đến quá trình tiến triển HIV trên bệnh nhân.  

Trong khi đó, viêm gan vi rút khi xâm nhập vào cơ thể người, vi rút sẽ âm thầm hủy hoại gan của người bệnh mà không gây ra các triệu chứng gì đặc trưng nên người bệnh không nhận biết được. Chỉ khi bệnh đã tiến triển nặng, các triệu chứng biểu hiện rõ người bệnh mới biết và đi kiểm tra, lúc này bệnh thường đã tiến triển nặng, thậm chí có trường hợp đã chuyển sang xơ gan hoặc ung thư gan khiến cho việc chữa trị gặp rất nhiều khó khăn.

Còn trên thế giới, theo PGS.TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng cục y tế dự phòng) có khoảng trên 2 tỷ người đã từng nhiễm vi rút viên gan B và khoảng 130 – 150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viên gan C mãn tính trên toàn cầu. Hàng năm trên thế giới có khoảng 1 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viên gan vi rút (chiếm khoảng 2,7 % tổng số các trường hợp tử vong).

Trong bối cảnh gánh nặng bệnh gan do vi rút viêm gan ngày càng trở nên nặng nề,  Tổ chức y tế thế giới cũng đã kêu gọi các quốc gia và các đối tác phát triển xây dựng các chiến lược hiệu quả với mục tiêu đối phó với các thách thức của bệnh gan và nâng cao nhận thức về căn bệnh này.

Theo đại diện của WHO cho biết “khoảng 240 triệu người trên toàn cầu đã nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính và gánh nặng bệnh tật do viêm gan B gây nên đối với hệ thống y tế cũng như sức khỏe người dân là rất lớn”.

Theo đó cần phải nâng cao nhận thức của cộng đồng, khuyến cáo về điều trị viêm gan, tăng cường sàng lọc, chẩn đoán và điều trị nhằm giảm lây truyền HIV, viêm gan B, viêm gan C đồng thời các quốc gia cần thực hiện các chính sách nhằm thực hiện các gói can thiệp thiết yếu để trẩn đoán, điều trị cho quần thể tiêm chích ma túy.

Tổ chức y tế thế giới cũng khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B. Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao, nên tiêm vắc xin trong vòng 24h sau sinh và các liều sau đó theo đúng lịch tiêm chủng.

Trước tình hình vi rút viêm gan đang diễn biến một cách âm thầm nhưng là vấn đề lớn đối với sức khỏe của người dân, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015-2019.

Theo đó, ngày 5/3 Bộ y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống bệnh viên gan vi rút giai đoạn 2015-2019 với mục tiêu làm giảm lây truyền vi rút viêm gan và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan vi rút.

Hồng Hải – Thu Hương