Xạ trị ngoài trong điều trị ung thư là gì?

(Dân trí) - Đây là phương pháp xạ trị dùng các loại máy phát ra tia bức xạ, chiếu trực tiếp chùm tia bức xạ tới vùng khối u.

Xạ trị còn được gọi là liệu pháp tia xạ, có thể được áp dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật, hóa trị hoặc các liệu pháp khác. Xạ trị sử dụng những tia bức xạ ion hóa năng lượng cao bao gồm có dạng hạt và dạng sóng như tia X-quang, tia Gamma, chùm tia điện tử hoặc proton ….để phá hủy hay tiêu diệt các tế bào ung thư.

Liệu pháp này sẽ giết chết vật chất di truyền trong nhân các tế bào ung thư dẫn tới làm mất khả năng nhân lên, phát triển và di căn của chúng.

Theo bác sĩ Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, xạ trị được áp dụng trong điều trị nhằm đạt một trong hai mục đích: xạ trị triệt căn (chữa trị triệt để) hoặc xạ trị giảm nhẹ (làm giảm nhẹ các triệu chứng). 

Hiện nay có ba cách xạ trị chủ yếu: xạ ngoài, xạ áp sát và xạ hệ thống. Việc lựa chọn cách thức nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như: loại ung thư, kích thước và vị trí khối u, độ tuổi của bệnh nhân, tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh.

Trải qua khoảng gần trăm năm lịch sử đến nay đã có các kỹ thuật xạ trị ngoài phát triển từ thấp đến cao như sau:

- Xạ trị 2 D: Xạ trị vào khối u theo hình ảnh 2 chiều

- Xạ trị không gian ba chiều (3D-CRT)

- Xạ trị điều biến liều (IMRT)

- Xạ trị có hướng dẫn của hình ảnh (IGRT)

- Xạ phẫu

- Xạ trị lập thể

- Xạ trị cắt lớp xoắn ốc: cung cấp liều xạ từng lát, có thể sử dụng để diệt nhiều mục tiêu cùng một lúc

- Xạ trị proton

- Xạ trị hạt nặng

Hà An