WHO: Thảm họa ung thư đã rất gần!

(Dân trí) - Theo Tổ chức Y tế thế giới: Số trường hợp ung thư dự kiến sẽ tăng lên 57% sau 20 năm nữa. Một thảm họa loài người rất gần đòi hỏi sự tập trung cao độ để ngăn ngừa và điều trị.

 

Mỗi năm gần 10 triệu người mới mắc ung thư


 

Mỗi năm gần 10 triệu người mới mắc ung thư

 

Báo cáo Ung thư thế giới do cơ quan Ung thư của WHO công bố trong ngày Ung thư thế giới đã dự báo số trường hợp mắc mới ung thư ước tính từ 14 triệu người vào năm 2012 lên 22 triệu người sau 2 thập kỷ nữa. Cũng trong giai đoạn này, số trường hợp tử vong do ung thư ước tính sẽ tăng từ 8,2 triệu mỗi năm lên 13 triệu người.

 

Việc gia tăng tỉ lệ mắc phải ung thư trước hết là do tuổi tác dân số trên thế giới tăng, điều này đòi hỏi sự tập trung mạnh mẽ hơn vào các chiến lược y tế dự phòng.

 

“Chúng ta không thể né tránh các vấn đề ung thư. Cần nhiều hơn những cuộc hội thảo về ngăn ngừa và phát hiện sớm để cải thiện khả năng điều trị và truyền đi những thông điệp cảnh báo về sự gia tăng của ung thư toàn cầu tới những nơi cần nhất”, ông Christopher Wild, Giám đốc Cơ quan quốc tế Nghiên cứu Ung thư, cho biết.

 

Báo cáo cũng lưu ý rằng phí tổn cho gánh nặng ung thư trong năm 2010 ước tính là 1,16 triệu tỉ đô trên toàn thế giới, tác động lớn tới nền kinh tế từ nước giàu đến nước nghèo.

 

Chúng ta có thể giảm ung thư

 

Báo cáo chỉ rõ 50% các loại ung thư có thể ngăn ngừa và có thể tránh được với những kiến thức y học hiện đại. Những bệnh có thể ngừa được thường liên quan với lối sống như hút thuốc, nghiện chất cồn, ăn uống và luyện tập hay các bệnh liên quan với viêm nhiễm như ung thư cổ tử cung, ung thư gan có thể phòng bằng vắc xin.

 

“80-90% trường hợp ung thư phổi là do hút thuốc lá. Tôi biết rằng việc ngừng hút thuốc không dễ dàng đối với nhiều người nhưng dường như đó là cách đơn giản nhất để giảm tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư phổi”, TS David Decker, công tác tại bệnh viện Florida (Orlando, Mỹ) nói.

 

“Tỉ lệ ung thư tăng nhanh vì những lý do rất sốc và nếu chúng ta cải thiện tình hình, chúng ta sẽ ngăn được đại dịch ung thư”, TS Decker nói.

 

Giảm tỉ lệ hút thuốc sẽ có tác động rõ rệt bởi ung thư phổi là căn bệnh phổ biến nhất (1,8 triệu trường hợp mỗi năm, tương đương với 13% tổng số ca ung thư chẩn đoán) và tử vong nhiều nhất (1,6 triệu người) so với tỉ lệ tử vong do ung thư trên toàn thế giới (chiếm 1/5).

 

Và 1 tin tốt là ngày càng có nhiều câu chuyện cho thấy những nỗ lực ngăn ngừa ung thư không phí hoài.

 

TS. Walter Curran, Trưởng khoa Xạ trị ở ĐH Y Emory (Atlanta, Mỹ) cho rằng nếu 1 người Mỹ 20 tuổi không hút thuốc, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và 1 lối sống lành mạnh, 1 số có thể uống rượu vừa phải, thường xuyên kiểm tra định kỳ sẽ có nguy cơ mắc ung thư ít hơn so với những người có lối sống tương tự nhưng sống tại các nước đang phát triển như châu Phi. Tuy nhiên, nước Mỹ đang phải đối mặt với đại dịch béo phì khi tỉ lệ người béo phì đã tăng gần đôi so với những năm 70 của thế kỷ trước. Và hút thuốc vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong tại Mỹ.

 

Cần hành động ngay

 

Theo báo cáo, bệnh ung thư đứng hàng thứ 2 là ung thư vú (1,7 triệu người, chiếm 11,9%) và thứ 3 là ung thư ruột già (1,4 triệu người, chiếm 9,7%). Gan có 800.000 người mắc, chiếm 9,1% và ung thư dạ dày là 700,000 người, chiếm 8,8%) với tỉ lệ tử vong chỉ sau ung thư phổi.

 

“Những số liệu mới tinh này đã gửi gắm 1 thông điệp rất rõ ràng đó là cần phải hành động ngay lập tức để cứu loài người khỏi thảm họa.

 

Báo cáo cũng cho thấy sự gia tăng của bệnh ung thư không tương ứng với sự phát triển của đất nước. Nhiều khảo sát cho thấy lối sống công nghiệp làm giảm tuổi thọ và tăng nguy cơ ung thư.

 

Hơn 60%  trường hợp trên thế giới và khoảng 70% trường hợp tử vong do ung thư là ở châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ.

 

Báo cáo Ung thư thế giới được công bố 1 lần mỗi năm với sự tham gia của khoảng 250 nhà khoa học đến từ hơn 40 nước.

 

Nhân Hà

Theo CNN