1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“WHO không phải cấp trên Bộ Y tế”

Đó là ý kiến của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Bình khi chúng tôi tiếp tục hỏi về loại vắc xin được nghi vấn có liên quan cái chết của 5 đứa trẻ trước văn bản cho rằng Quinvaxem an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

  
Chích ngừa vắc xin cho trẻ tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

Chích ngừa vắc xin cho trẻ tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

 

Ông Bình nói: “WHO không phải cấp trên của Bộ Y tế, mà là cơ quan hỗ trợ, tư vấn về mặt kỹ thuật (thuốc, sức khỏe, vắc xin, dịch bệnh...) phạm vi toàn cầu. Bộ Y tế có thể tham khảo khi có vấn đề chưa rõ về kỹ thuật xảy ra ở VN. Tuy nhiên Bộ Y tế vẫn có quyền của mình, kể cả đây là vắc xin viện trợ”.

 

Thưa ông, một số trường hợp tai biến sau tiêm vắc xin ở Sri Lanka, Ấn Độ... đều rất giống hiện tượng đã xảy ra ở VN. Tuy nhiên những quyết định của Bộ Y tế lại chưa thấy đủ độ mạnh mẽ và rõ ràng?

 

Bộ Y tế đã có những hành động của mình. Chúng tôi dự định gửi mẫu vắc xin đi kiểm định độc lập (không thông qua WHO và các bên liên quan) tại Nhật Bản nhưng gặp khó khăn vì Nhật Bản không nhận kiểm định vắc xin sản xuất ngoài Nhật, vì thế chúng tôi đang chuẩn bị gửi mẫu đi kiểm định tại Hà Lan. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các sở y tế khu vực có tai biến sau tiêm đã có thông báo tạm ngừng sử dụng 3 lô vắc xin liên quan tai biến. Cho đến nay, dù chưa có căn cứ chất lượng vắc xin liên quan đến tai biến, nhưng cũng chưa có căn cứ để loại trừ, ba lô này vẫn đang bị tạm dừng.

 

Tuy nhiên VN vẫn tiếp tục cho tiêm ngừa bằng Quinvaxem thuộc năm lô còn lại, trong khi Sri Lanka và Bhutan rất mạnh mẽ khi cho ngừng vắc xin này sau một số trường hợp tai biến sau tiêm. Ông có thấy như vậy là chưa đủ quyết liệt như “quyền” mà Bộ Y tế có?
 

Như cuộc họp hội đồng chuyên môn xử lý tai biến sau tiêm vắc xin cách đây một tuần, đã có những yêu cầu quan trọng được đặt ra, như cử đoàn đi thẩm định lại điều kiện sản xuất Quinvaxem, gửi mẫu đi kiểm định độc lập, tổ chức đối chất với các bên liên quan về chất lượng vắc xin trên cơ sở tài liệu và hồ sơ.

 

Khi chưa có bằng chứng về chất lượng vắc xin thì các lô vắc xin ngoài lô liên quan tai biến vẫn đang được sử dụng. Nhưng trong trường hợp có thêm phản ứng sau tiêm, vấn đề chuyển đổi sang loại vắc xin khác nhất thiết phải đặt ra.

 

Các thông tin từ nguồn chính thức của WHO cho thấy đã có nhiều ca tai biến sau tiêm Quinvaxem, nhưng trong văn bản mới nhất gửi Bộ Y tế, WHO cho rằng  Quinvaxem là an toàn, ông thấy WHO trả lời liệu đã thỏa đáng?

 

WHO trả lời dựa trên hồ sơ và kỹ thuật của WHO, cho vắcxin này là an toàn. Nhưng như tôi đã nói ở trên là VN cũng có quyền của mình, vì sử dụng quyền này Bộ Y tế mới gửi vắc xin đi kiểm định độc lập. Bộ Y tế đang tích cực tìm kiếm tài liệu để có những quyết định chính xác liên quan đến Quinvaxem.

  

 Có 3 loại vắc xin tương tự

 

Ngày 20/1, ông Nguyễn Nhật Cảm, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho hay ngoài vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng ngừa năm bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm màng não mủ do Hib, tại VN đang có hai loại vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 lưu hành. Đó là vắc xin 5 trong 1 Pentaxim của Hãng Sanofi, Pháp ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Hib; vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa của Hãng GSK ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib, giá tiêm phòng từ trên 500.000 đến trên 600.000 đồng/mũi/tùy loại.

 

Theo thống kê của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tỉ lệ gặp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem là 0,69/1 triệu mũi tiêm, trong đó tỉ lệ tử vong là 0,17/1 triệu mũi tiêm. Tuy nhiên theo thống kê của Tuổi Trẻ, từ tháng 11/2012 đến đầu tháng 1/2013 đã có tổng số bảy trường hợp tử vong sau tiêm, tỉ lệ tử vong (mặc dù chưa tìm thấy bằng chứng liên quan đến chất lượng vắc xin Quinvaxem) đã ở mức 1,8/1 triệu mũi tiêm tính trung bình cả năm do VN sử dụng 4,5 triệu mũi tiêm Quinvaxem/năm. Với các loại vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tỉ lệ tai biến nặng từ 0,5-0,9/1 triệu mũi tiêm.

 

Một số nước dừng chương trình chích vắc xin Quinvaxem

 

Từ năm 2008-2011, liên tiếp các cuộc điều tra về cái chết của trẻ em ở Sri Lanka, Bhutan, Pakistan, Ấn Độ... sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem 5 trong 1.

 

Vắc xin này được Bộ Thuốc và thực phẩm Hàn Quốc cấp phép năm 2006. Cũng cùng năm, WHO chọn vắc xin Quinvaxem để cung cấp cho các chương trình tiêm chủng trẻ em ở các nước đang phát triển.

 

Thế nhưng, trong năm 2008, ít nhất năm trẻ em Sri Lanka bị chết sau khi được tiêm chủng loại vắc xin Quinvaxem do Công ty Berna Biotech Korea Corporation (Hàn Quốc) sản xuất. Trước đó, tháng 7/2007 cũng ghi nhận một trẻ em đảo quốc Suriname bị chết sau khi tiêm chủng vắc xin Quinvaxem. Trước sức ép của dư luận và Chính phủ Sri Lanka, WHO cho tiến hành những cuộc điều tra chất lượng Quinvaxem, song song với những cuộc điều tra của chính quyền nước sở tại. Ngày 16/10/2008, WHO cho công bố trên trang web www.who.int rằng không có bằng chứng cho thấy vắc xin Quinvaxem là không an toàn và vẫn nằm trong danh sách sử dụng của WHO.

 

Đến năm 2009, đến lượt 8 trẻ em ở Bhutan và ba trẻ em ở Pakistan cũng chết sau khi tiêm chủng vắc xin Quinvaxem. Năm 2010, bốn trẻ em ở bang Nam Kerala của Ấn Độ chết sau khi tiêm chủng Quinvaxem. Lúc này, chương trình tiêm chủng Quinvaxem tạm thời dừng lại, WHO cho mở những cuộc điều tra tiếp theo. Sang năm 2011, WHO tiếp tục khẳng định vắc xin Quinvaxem an toàn, và không rút ra khỏi chương trình tiêm chủng hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc cho các nước đang phát triển.

 

Phát biểu trên tờ Bhutan Times ngày 30/5/2010, TS Patrick Zuber của Bộ phận an toàn vắc xin toàn cầu tại Geneva (Thụy Sĩ) đưa ra bình luận: “Theo kết quả gửi về từ các chuyên gia điều tra cái chết của những trẻ sơ sinh, chúng tôi không thể nói rằng những cái chết này là do vắc xin”. TS Jayantha Liyanage của WHO tại Sri Lanka thì cho rằng cái chết của những trẻ em này là do nguyên nhân ngẫu nhiên, bị viêm màng não, co giật, đột tử...

 

Mặc dù vậy, Sri Lanka, Bhutan đã ngưng chương trình tiêm chủng vắc xin Quinvaxem sau khi xảy ra cái chết của các trẻ sơ sinh. Trong một lá thư tường trình về cái chết của ba trẻ Pakistan gửi Tổ chức British Medical Journal, ông S.K.Mittal - thành viên nhóm điều tra về vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem của Hội đồng cấp cao Delhi (Ấn Độ) - cho biết một trẻ chết nửa giờ sau khi tiêm, hai trẻ còn lại chết khoảng 12-14 giờ sau khi tiêm. Tuy nhiên, kết quả điều tra của các chuyên gia đều đi đến kết luận trẻ chết không rõ nguyên nhân. Hai trẻ sơ sinh bị cho là đột tử, trẻ còn lại thì... không chắc! Trường hợp tám trẻ sơ sinh của Bhutan năm 2009 cũng được WHO cho rằng là do “đột tử, co giật hoặc viêm não”.

Theo Lan Anh – Quang Thi

Tuổi trẻ