WHO cảnh báo 4 loại siro trị ho, cảm lạnh gây nguy hiểm cho trẻ

Nam Phương

(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới vừa phát đi cảnh báo về 4 loại siro trị ho, cảm lạnh sản xuất tại Ấn Độ có thể liên quan đến vụ 66 trẻ em ở Gambia tử vong do tổn thương thận cấp.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây thông báo cái chết của hàng chục trẻ nhỏ ở Gambia, một quốc gia ở Tây Phi do tổn thương thận cấp tính có thể liên quan đến siro trị ho, cảm bị nhiễm độc do một nhà sản xuất thuốc của Ấn Độ sản xuất.

Theo Reuters, cảnh báo này bao gồm 4 sản phẩm: Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup.

Kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm phát hiện lượng diethylene glycol và ethylene glycol ở mức "không thể chấp nhận được", có thể gây độc và dẫn đến tổn thương thận cấp tính, WHO cho biết.

WHO cảnh báo 4 loại siro trị ho, cảm lạnh gây nguy hiểm cho trẻ - 1

Ảnh minh họa: Istock.

Tổng giám đốc WHO ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan Liên Hợp Quốc đang tiến hành một cuộc điều tra với các cơ quan quản lý Ấn Độ và Công ty sản xuất siro là hãng dược Maiden Pharmaceuticals Ltd. có trụ sở tại New Delhi.

Đồng thời, WHO cũng kêu gọi các nước rà soát và cấm lưu hành những sản phẩm này của Maiden Pharma.

Đến nay, các sản phẩm mới chỉ được xác định có mặt tại Gambia, tuy nhiên chúng có thể đã được phân phối ở những nơi khác thông qua các kênh không chính thức.

Trước đó, hồi tháng 7, các nhân viên y tế ở Gambia đã lên tiếng báo động sau khi hàng chục trẻ em bắt đầu bị ốm do các vấn đề về thận. Những cái chết bất thường của trẻ khiến các bác sĩ bối rối cho đến khi họ nhận thấy mối liên hệ khi hàng chục trẻ dưới 5 tuổi bị ốm sau 3-5 ngày uống một siro chứa paracetamol được bán tại địa phương.

Ông Mustapha Bittaye, Giám đốc dịch vụ y tế của Gambia cho biết số trường hợp tử vong đã giảm dần trong những tuần gần đây và các sản phẩm do Maiden Pharmaceuticals sản xuất đã bị cấm bán.

Maiden Pharmaceuticals sản xuất thuốc tại các cơ sở của mình ở Ấn Độ, sau đó bán trong nước cũng như xuất khẩu sang các nước ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, theo trang web của công ty.

Tại Việt Nam, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được thông tin trên và đang tiến hành rà soát danh mục các thuốc được nhập về Việt Nam.