Vượt qua số phận sau nhiều mất mát
(Dân trí) - Khi khó khăn nhất trong cuộc đời, bạn đối diện với nó như thế nào? Đổ lỗi cho số phận? Bất lực buông xuôi? Hay dám chấp nhận đương đầu với hoàn cảnh và chọn cho mình một hướng đi mới.
Còn tôi, nếu không vì hai chữ “yêu thương” tôi sẽ gục ngã mà buông xuôi tất cả, bởi trái tim còn đâu ngăn để chứa đựng những đau thương, nước mắt đâu còn nữa mà chảy, dường như lệ của tôi đã khô cạn rồi.
Tôi muốn gặp nhà tiên tri Van-ga để hỏi về cuộc đời và số phận của mình. Bởi tôi đã gặp quá nhiều khó khăn, quá nhiều muộn phiền, có những lúc chỉ muốn trốn chạy tất cả. Nhưng vì lời dặn của bố trước khi đi xa, vì phẩm chất và danh dự của một cô giáo đã không cho phép tôi gục ngã.
Sinh ra trong một gia đình công nhân viên chức và có ba anh em. Tuổi thơ của chúng tôi sống khó nhọc, trong một miền quê nghèo với đồng lương ít ỏi của thời bao cấp khi bố mẹ đi công tác xa gửi về. Anh em tôi sống trong sự chăm sóc, yêu thương của ông bà, sau này khi được về công tác gần nhà thì bố mẹ mới dạy bảo chúng tôi ăn học. Cả dân làng ai cũng khen ba anh em ngoan ngoãn, thông minh, học giỏi và đều nối tiếp nghề giáo viên của mẹ. Lớn lên trưởng thành, chúng tôi học xong đều có nghề, đều là công chức, tuy đồng lương chỉ đủ sống nhưng cuộc sống rất êm đềm.
Năm 2011, tai ương bắt đầu ập đến gia đình tôi, trong một lần anh trai cả đi khám thường xuyên theo định kỳ thì phát hiện ra bị ung thư gan. Tôi bàng hoàng nhưng phải chấp nhận, sau đó cả gia đình dồn tất cả kinh tế để chữa chạy cho anh. Nhưng chỉ được 17 tháng thì anh mất. Ngày đưa tiễn anh dân làng đi đông lắm, học trò khóc anh rất nhiều. Một con người hiền lành, mẫu mực, sự luyến tiếc, sự mất mát quá lớn đối với bố mẹ và gia đình.
Chỉ một tuần sau, khi nỗi đau của bố mẹ chưa nguôi ngoai thì anh trai thứ hai bị tức ngực, đi khám tại Bệnh viện K74, bác sĩ kết luận có khối u trong phổi. Hai chữ “ung thư phổi” lại hiện lên, mắt tôi nhòe đi, không dám đối diện với bố mẹ. Sự thật vẫn là sự thật. Bố mẹ lại gom góp để có tiền chữa bệnh cho anh, nhưng tuyệt vọng thay khi bệnh của anh đã ở giai đoạn cuối. Đau đớn nào có thể diễn tả được, chỉ tám tháng sau ngày mất của anh cả, anh thứ hai lại rời xa trần thế. Những ngày tháng ấy, cả bầu trời như một màu đen bủa vây lấy gia đình tôi. Bố thẫn thờ, đôi khi nhắm mắt ôm bụng như quặn đau, chắc bố đau lắm, nỗi đau mất hai người con làm sao có thể xoa dịu được. Còn mẹ, mẹ như điên dại, thơ thẩn trước di ảnh của hai anh, chứng kiến cảnh bố mẹ như vậy, nhiều lúc tôi tưởng tim mình như ngừng đập hay có ai đó bóp nghẹn. Thời gian cứ thế dần trôi, nỗi đau cũng dần nguôi ngoai nhưng chắc chắn rằng không thể nào quên.
Sáu năm sau, khi sang “nhà mới” cho hai anh, bố đi mổ khối u trong tuyến tiền liệt nhưng không làm sinh thiết. Một năm sau, ngày 02/07/2017, mới phát hiện ra bố bị ung thư đã di căn não, phổi. Cái hung tin ấy đến với tôi như sét đánh ngang tai, cuộc sống như sụp đổ, trời đất tất cả đều như tối đen. Trước mặt bố mẹ tôi không dám khóc, chỉ biết ra một góc khuất gào thật to: “Ông trời ơi! sao lại bất công đến vậy?”.
Tôi cố nén nỗi đau để dành thời gian chăm sóc bố trong khoảng thời gian còn lại, vì tôi say xe và bận công việc nên có những lần chồng tôi đi thay thăm bố. Hôm đó, khi tình trạng bệnh của bố chuyển biến nặng hơn, hai vợ chồng tôi cùng lên chăm bố, thấy anh thường kêu đau bụng nên tôi đã giục anh khám luôn. Thời điểm ấy tôi chỉ lo cho sức khỏe của bố chứ không để ý đến anh. Lúc này tôi chỉ muốn ghi lại hình ảnh của bố thật nhiều, để khi phải xa bố thì những hình ảnh đó vẫn sống mãi trong tôi.
Đang giúp bố cạo râu, bỗng có bàn tay đặt lên vai, giọng nói quen thuộc: “Em à, anh bảo cái này, em bình tĩnh nhé”. Tôi ngoảnh lại, anh tiếp tục nói: “Anh có khối u rồi, ở trong gan”. Trước đây, khi hai anh trai mới phát hiện ra bệnh, tôi đã nghe quá nhiều hai từ “khối u”, tôi gục ngã, thân thể tôi như có một luồng gió lạnh chạy dọc sống lưng. Không thể đứng dậy được, mọi người xung quanh phải đỡ tôi và các bác sĩ đưa vào phòng hô hấp nhịp tim. Chồng tôi đi gặp bác sĩ, mắt tôi nhòa đi không còn thấy bố đâu nữa, chỉ nghe thấy giọng bố luôn nói: “Cứu con tôi, cứu con tôi!”.
Sau khi hồi sức, tôi gặp bác sĩ và được động viên: “Chị cứ yên tâm vì kết luận chưa chắn chắn về bệnh của anh”, nhưng tôi biết bác sĩ chỉ an ủi vậy thôi. Cả khoa U bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đều xôn xao, thương xót cho hoàn cảnh của gia đình tôi. Tôi gục đầu trên giường bệnh, bố nắm tay, vuốt tóc tôi và nói: “Có gì thế nói với bố đi”, tôi khóc nấc như một đứa trẻ, chỉ biết cầu xin bố đừng rời xa. Ánh mắt bố nhìn tôi rất lâu, giọng lạc đi: “Bố xin lỗi con, sinh con ra để con phải đau khổ”. Sáu năm trời bố đã khóc nỗi đau mất con, vậy mà đến lúc đau yếu vẫn phải suy nghĩ về con gái. Cho đến bây giờ tôi vẫn dằn vặt bản thân vì để bố ra đi không được thanh thản.
Ngày hôm đó bác sĩ cho bố về, tôi gạt giọt nước mắt ở bên bố, cả đêm đó bố hấp hối. Nhưng ngay sáng hôm sau tôi lại phải đến viện với chồng, kết quả chụp cắt lớp vi tính có khối u ở trong gan, bác sĩ chỉ định chuyển tuyến ngay lên Bệnh viện Bạch Mai. Đang thuê xe để hai vợ chồng lên viện thì người nhà cứ gọi điện giục về ngay, tôi đã hiểu và con đường về nhà dường như dài vô tận. Đến cổng đã nghe thấy tiếng khóc của người nhà, chạy ngay vào với bố, có lẽ bố đợi con gái về rồi mới ra đi, giọt nước mắt của bố trào ra, hai tay bố buông xuôi. Tôi gào thét trong vô vọng “Bố ơi, con mất bố thật rồi”. Hai ngày chịu tang bố, nhưng vẫn lo lắng muốn biết kết quả khám của chồng, nỗi đau không thể nào diễn tả hết được bằng lời. Bố tròn mộ, tôi lại tất tả khăn gói lên Bệnh viện Bạch Mai ký cam kết chọc sinh thiết cho anh. Một tuần chờ đợi trong lo âu, thấp thỏm cộng với nỗi nhớ thương bố, mắt tôi lúc nào cũng nhòe đi.
Đến ngày nhận được kết quả sinh thiết của anh, bác sĩ kết luận bị ung thư biểu mô tế bào gan. Ý thức được rằng cuộc chiến đấu với cuộc đời bắt đầu từ đây, có những lúc tôi như bại trận, mệt mỏi, kiệt sức nhưng trước mặt chồng tôi luôn phải mạnh mẽ để truyền động lực cho anh. Theo phác đồ điều trị của bác sĩ, bước đầu là mổ cắt gan, cắt mật, ca phẫu thuật thành công, đợi một tháng sau sẽ tiến hành 6 đợt hóa trị.
Nhớ lại 6 lần hóa trị đó, vô cùng khó khăn và đầy thử thách đối với cả hai vợ chồng. Vì say xe nên mỗi lần đến viện đều đi bằng xe máy hơn 100km, thương anh vì tác dụng phụ của hóa chất làm người anh gầy sọp, tóc anh rụng hết. Còn nhớ, có những lần truyền xong đã là 14h30, trời mưa rét, tôi gọi taxi cho anh về trước, nhưng anh nhất định không lên xe, anh nói: “Sống chết cùng có nhau, em đi xe máy trời này phải 8h-9h tối mới về đến nhà”, hai vợ chồng nhìn nhau mà ngấn nước mắt. Vậy là tôi lại đèo anh đi hàng trăm cây số dưới trời mưa rét thấu da, thấu thịt. Qua ba tháng mùa đông, đến mùa hè dưới cái nắng chói chang như đổ lửa nhưng vợ chồng vẫn cùng nhau vượt qua. Trong những ngày tháng ấy, các cô chú trong viện thương vợ chồng tôi nhiều lắm, có lẽ vượt qua được thử này cũng chính nhờ vào những lời động viên của mọi người.
Mỗi đợt hóa trị trải qua, tôi lại càng cảm thấy nghị lực sống bên trong con người anh thực sự rất mãnh liệt. Dù phải đối mặt với “tử thần” nhưng anh không sợ cái chết, luôn lạc quan và vẫn hát những bài hát yêu đời. Nụ cười tươi rói luôn nở trên môi anh cùng với chiếc đầu trọc lốc, tôi cũng vui mừng khi thấy bệnh tình của anh có tiến triển. Sau 6 tháng hóa trị, anh đi khám tổng quát để đánh giá lại tình trạng bệnh, có dấu hiệu đáp ứng thuốc kém và có hiện tượng tái phát. Anh tiếp tục 18 đợt hóa chất tại Bệnh viện 108, ai cũng nói tôi mình đồng da sắt nhưng bởi đã mất đi bố và hai người anh nên bây giờ ai bảo tôi đi đâu có thể chữa cho chồng, tôi cũng sẽ đi để giữ anh bên mẹ con tôi. Tôi sẽ vượt qua tất cả dẫu biết rằng phía trước vẫn còn nhiều khó khăn chồng chất khó khăn lên đôi vai bé nhỏ của mình.
May mắn thay, hóa trị ở Viện 108, khối u của anh giảm đi, sức khỏe tạm ổn và bác sĩ bảo rằng đây là trường hợp rất kỳ tích. Kết thúc đợt điều trị hóa chất, anh tìm hiểu và uống sản phẩm GenK STF cho đến nay sức khỏe của anh càng ổn hơn.
Cảm ơn cuộc thi “Sống như những đóa hoa vươn về phía mặt trời” đã như người bạn, người thân để tôi chia sẻ nỗi lòng mình khi phải một mình gồng gánh, chịu đựng những nỗi đau mà không có chị em ruột, bố đã ra đi. Những lúc chơi vơi nhất, tôi lại nghĩ thương chồng, thương mẹ già và thương con còn quá nhỏ. Tôi luôn tự nhủ, hãy cố gắng vì mỗi người chỉ có một lần sống, sống sao cho xứng đáng với cuộc đời. Dù bệnh tật ốm đau, dù nghèo đói khó khăn nhưng tôi vẫn hạnh phúc vì có anh bên cạnh, chỉ cần có nhau là đủ và chỉ cần sống trong tình yêu thương, sống trong tình người.
Một lần nữa cảm ơn chương trình đã lắng nghe nỗi lòng tôi!