1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vừa vào đại học đã trầm cảm!

Hơn 27% sinh viên (SV) năm nhất ngành y dược tại TP HCM bị trầm cảm. Hiện trạng đáng lo này vừa được nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Anh Vũ, Lê Minh Thuận (Trường ĐH Y Dược TP HCM) và Trần Quốc Cường, Võ Thị Mai Trâm (Bệnh viện quận Thủ Đức, TP HCM) công bố tại hội nghị khoa học lần 2 do Bệnh viện quận Thủ Đức tổ chức mới đây.

 

Vừa vào đại học đã trầm cảm! - 1

Nghiên cứu trên 280 SV năm nhất ngành y dược học các trường ĐH và trung cấp nghề ở TPHCM gần đây, các tác giả đã xác định 27,6% SV bị trầm cảm - một dạng rối loạn tâm thần có thể dẫn đến nghiện rượu và nguy cơ tự sát. Tại sao những thầy thuốc, những chuyên gia y khoa tương lai chuyên chăm lo sức khỏe cho cộng đồng lại rơi vào tình trạng này?

Theo các chuyên gia, những yếu tố liên quan đến trầm cảm trong giới SV có thể kể đến: cùng giới, ở ký túc xá, lựa chọn ngành nghề không theo ý cá nhân, làm thêm để có tiền trang trải việc học, uống rượu bia, hút thuốc lá.

Về nguyên nhân, có thể nói đặc điểm ngành y dược là thời gian học tập dài, chương trình học khó khăn cộng với việc vừa kết hợp lý thuyết vừa thực hành liên tục, đòi hỏi SV phải đầu tư và nỗ lực nên chịu sức ép cao. Việc chọn ngành theo nguyện vọng gia đình có thể khiến SV cảm thấy không hứng thú, thiếu động lực và từ đó chán nản chuyện học. Cùng với đó, áp lực học tập trong điều kiện khó khăn về kinh tế, buộc phải làm thêm kiếm tiền dẫn đến tình trạng trầm cảm trong SV.

Ở đây, yếu tố gia đình cũng đóng vai trò nhất định: SV đang sống cùng cha mẹ có mức độ trầm cảm thấp hơn SV ở ký túc xá. Việc thay đổi nơi sinh sống, xa gia đình khi bắt đầu vào ĐH khiến nhiều SV gặp khó khăn trong việc thích nghi...

Trên thế giới hiện có khoảng 450 triệu người mắc một trong những rối loạn về hành vi hoặc tâm thần. Tuy nhiên, chỉ một số ít nhận được sự chữa trị cơ bản. Tỉ lệ trầm cảm trong SV y khoa được ghi nhận cao hơn SV các ngành khác, điều này có thể dẫn đến tình trạng nghiện rượu, nghĩ quẩn, thậm chí tự sát.

Từ thực tế nghiên cứu, các khuyến nghị được đưa ra: người trầm cảm cần có ý chí và biết quan tâm đến bản thân; cần phải thành lập các dịch vụ tư vấn cho SV trong các trường ĐH để giải quyết những vấn đề về quan hệ tình bạn, tình yêu, khó khăn về nơi ở, tài chính… Khi được can thiệp, giải quyết đúng đắn các mâu thuẫn nêu trên, tỉ lệ người trầm cảm hồi phục và trở lại cuộc sống bình thường có thể lên đến 80%.

Theo Nguyễn Thạnh

Người lao động