Vụ tử vong vì “bệnh lạ” tại Nigeria: Do ngộ độc methanol

(Dân trí) - Cơ quan Đầu mối IHR, Văn phòng EOC - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 22/4 cho biết đã điều tra ra nguyên nhân khiến 20 trường hợp tử vong nhanh, bí hiểm tại Nigeria là do ngộ độc Methanol.

Trước đó ngày 19/4, WHO cho biết nhận được thông tin về một dịch bệnh “bí ẩn” đã làm 18 người ở thị trấn Ode-Irele miền đông nam Nigeria tử vong trong vòng 24 giờ sau khi có biểu hiện triệu chứng. 

Theo Phát ngôn viên của Bang Ondo - Nigeria, những người nhiễm bệnh đều có biểu hiện triệu chứng như: đau đầu, sụt cân, mờ mắt và mất ý thức sau đó tử vong trong vòng 24 giờ. 

Theo thông báo chính thức của Tổ chức Y tế thế giới, số bệnh nhân mắc bệnh tiếp tục tăng lên đến nay đã có 25 trường hợp mắc “bệnh lạ” tại Ode- Irele, bang Ondo, phía Tây Nam Nigeria, trong đó có 20 trường hợp tử vong.

Các bệnh nhân đều là nam giới và làm nông nghiệp.  Triệu chứng thông thường nhất là đau đầu, mệt mỏi, sụt cân và tử vong nhanh, trước đó không có biểu hiện sốt. Các xét nghiệm đều loại trừ khả năng nhiễm vi rút Ebola, hay bất kỳ loại vi rút hay vi khuẩn nào khác.

Lúc đầu các chuyên gia nghĩ đến ngộ độc thuốc trừ sâu có thể được xem là nguyên nhân của “bệnh lạ” gây nên cái chết nhanh chóng của các bệnh nhân này. Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ các bằng chứng, làm thêm các xét nghiệm, các chuyên gia của WHO cho biết ngộ độc methanol được cho là nguyên nhân của vụ dịch này.

Nhóm bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng mờ mắt và tử vong nhanh, đặc biệt đều gặp ở nam giới. Ngộ độc methanol có liên quan tới việc sử dụng đồ uống tự chế chứa cồn. Methanol được sản sinh do kiểm soát không đúng cách trong quá trình chưng cất rượu hoặc được chủ ý cho vào rượu nhằm tăng nồng độ.

Trước đó, cũng đã từng xảy ra vụ ngộ độc tương tự tại Mozambique , châu Phi vào tháng 1/2015 làm 73 người tử vong.

Chính phủ Nigeria đã thành lập Đội đặc nhiệm quốc gia và kích hoạt Trung tâm Đáp ứng các trường hợp khẩn cấp (EOC). Nhiều biện pháp kiểm soát và khống chế dịch được triển khai như: tìm kiếm xác định các trường hợp chưa được báo cáo, kiểm soát và phòng chống nhiễm khuẩn, quản lý ca bệnh, phỏng vấn tìm hiểu thông tin dịch bệnh cũng như phân tích độc tính.

Dựa trên các thông tin do Nigeira cung cấp, Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo hạn chế đi lại và giao thương quốc tế tới Nigeria.
Cơ quan Đầu mối IHR, Văn phòng EOC- Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới cập nhật các thông tin về những trường hợp bệnh này.

Tú Anh