TPHCM:

Vụ tử vong sau tiêm ngừa ung thư cổ tử cung: Xét nghiệm vắc xin

(Dân trí) - Đó là đề xuất của Hội đồng chuyên môn dựa trên những phân tích về nguyên nhân dẫn đến cái chết của nữ công nhân sau tiêm ngừa vắc xin ung thư cổ tử cung. Việc xét nghiệm sẽ đánh giá những ảnh hưởng của vắc xin đến sinh mạng của nạn nhân.

Nhằm đưa ra một kết luận xác thực về nguyên nhân dẫn đến tử vong của nữ công nhân Đặng Kim Chi (17 tuổi, tạm trú tại Bà Điểm, Hóc Môn) chiều 31/5/2013 hội đồng tư vấn chuyên môn Sở Y tế đã họp và phân tích nguyên nhân có liên quan đến phản ứng sau tiêm vắc xin Cervarix tại Trung tâm y tế dự phòng Quận 9.

Vắc xin là nghi can gây ra cái chết của nữ công nhân
Vắc xin là "nghi can" gây ra cái chết của nữ công nhân
(ảnh: minh họa)

Theo đó, bệnh nhân Kim Chi đã chích ngừa hai mũi vắc xin ung thư cổ tử cung Cervarix tại phòng tiêm chủng dịch vụ. Mũi thứ nhất được thực hiện vào ngày 6/3/2013, lô AHBVA 173AL, nhà sản xuất GSK, hạn dùng 08/2015. Sau khi chích ngừa mũi này sức khỏe của bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Nhưng sự cố đã xảy ra ngày 6/4/2013 khi bệnh nhân chích mũi thứ hai với lô vắc xin AHBVA 173AE, nhà sản xuất GSK, hạn dùng 08/2015.

Theo thông tin người nhà cung cấp, bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý, gia đình không có bệnh di truyền. Diễn tiến bệnh ghi nhận, sau khi chích ngừa lúc 9 giờ, hơn một tiếng sau Kim Chi về đến nhà. Đến 11 giờ, bệnh nhân bắt đầu than mệt, đầu giờ chiều người cha đi làm nên gọi Kim Chi dậy đóng cửa cô vẫn đi đứng bình thường. Tuy nhiên, đến 13 giờ 30 phút, bà Trần Thị Hồng nhiều lần gọi điện thoại không thấy con nghe máy. Hai tiếng sau người mẹ trở về nhà, bà buộc phải nhờ người phá cửa vì nhiều lần gọi lớn cô con gái vẫn “im bặt”.

Vừa nhào vào phòng, bà Hồng tá hỏa khi thấy con nằm bất động trong nhà tắm. Kim Chi được đưa đến cơ sở y tế tư nhân sơ cứu rồi chuyển lên bệnh viện Mỹ Đức. Nhưng, mọi chuyện đã muộn màng bất chấp mọi nỗ lực cứu chữa của bác sĩ. Gia đình nhận được thông báo bệnh nhân tử vong với chẩn đoán cuối cùng: “Ngưng tim ngưng thở không rõ nguyên nhân trước nhập viện”.

Để truy tìm nguyên nhân tử vong, ngay sau đó công tác giải phẫu tử thi được tiến hành tại bệnh viện An Bình. Kết quả giải phẫu tử thi chỉ ghi nhận chết do phù phổi cấp. Qua phân tích, Hội đồng chuyên môn kết luận: “Kết quả thử độc chất có hiện diện Paracetamol, propranolon và Adrenailne trong máu; có sự hiện diện propranolol trong nước tiểu và dịch dạ dày. Do đó nguyên nhân tử vong chưa được xác định. Hội đồng xét thấy cần phải làm thêm một số xét nghiệm chuyên biệt để định lượng thành phần các chất có trong kết quả thử độc chất và nhuộm đặc biệt các mẫu mô để xác định nguyên nhân”.

Hội đồng chuyên môn cũng đề nghị xét nghiệm ngoại kiểm lọ vắc xin cùng lô đã chích cho nạn nhân tại Trung tâm y tế dự phòng quận 9. Sau khi có đầy đủ các dữ liệu sẽ tổ chức họp hội đồng lần 2, đồng thời mời bác sĩ mổ tử thi tham gia trực tiếp hội đồng.

Vân Sơn