Vụ trưởng Vụ Pháp chế: Ủng hộ phương án công nhận chuyển giới

(Dân trí) - Trước 2 xu hướng cấm hoặc công nhận phẫu thuật chuyển giới, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, ông ủng hộ phương án công nhận chuyển giới. Vì thực tế trong những năm qua, có cấm nhưng những người có nguyện vọng vẫn phẫu thuật chui để đạt mong muốn.

TS Nguyễn Huy Quang. Ảnh: H.Hải
TS Nguyễn Huy Quang. Ảnh: H.Hải

Xung quanh vấn đề chuyển giới, TS Nguyễn Huy Quang , Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã trao đổi với báo giới về vấn đề này.

Thưa ông, được biết dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi đang được ra xin ý kiến, trong đó có nội dung về thực hiện chuyển đổi giới tính. Bộ Y tế có đề xuất gì về vấn đề này?

Về phẫu thuật chuyển giới, hiện dự thảo luật Bộ luật dân sự sửa đổi do Quốc hội đưa ra xin ý kiến toàn dân có hai xu hướng. Một là không cho phép, không thừa nhận chuyển đối giới tính tại Việt Nam như lâu nay chúng ta vẫn đang thực hiện. Hai là trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể thực hiện việc chuyển đổi giới tính, được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Bộ Y tế chưa có văn bản chính thức về đề xuất công nhận chuyển giới. Nhưng cá nhân tôi nghiêng về phương án cần thừa nhận cho người chuyển giới tại Việt Nam. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi, Vụ pháp chế sẽ làm đề xuất gửi lãnh đạo Bộ Y tế để xin ý kiến về vấn đề này.

Ông có thể lý giải vì sao ông lại ủng hộ việc công nhận chuyển giới tính tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện sức khỏe môi trường y tế, có khoảng nửa triệu người có xu hướng giới tính không trùng với giới tính hiện có. Trong suy nghĩ, hành động của họ nghĩ mình là giới tính ngược lại. Ví như cơ thể sinh học là nam nhưng nghĩ mình là nữ hoặc ngược lại.

Trong khi pháp luật Việt Nam chưa cho phép thực hiện chuyển giới thì thực tế đến nay có khoảng từ 500 - 1000 người Việt đã ra nước ngoài chuyển đổi giới tính và hiện đang sinh sống tại Việt Nam.

Điều này không chỉ gây tốn kém cho người có nhu cầu, mà đáng ngại nhất, những người này phần lớn thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính “chui”, tại các cơ sở không được cấp phép nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí đe dọa cả tính mạng.

Khi về Việt Nam, do pháp luật chưa công nhận phẫu thuật chuyển giới nên họ trở nên “vô hình” không được pháp luật thừa nhận. Các giấy tờ tùy thân từ chứng minh thư, hộ chiếu, ngân hàng không khớp với tình trạng cơ thể hiện có dẫn đến các khó khăn trong quan hệ giao dịch nhân sự khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của những người đã thực hiện chuyển giới.

Rõ ràng là có cấm, nhưng những người muốn sống thật với giới tính mong muốn vẫn cứ “vượt rào” đi phẫu thuật chui ở nước ngoài và gặp vô vàn những rắc rối, rủi ro trên. Tôi đã gặp, tiếp xúc nhiều trường hợp khóc không nổi, cười không xong khi hình dạng cơ thể trái ngược với tên gọi, với giới tính thật được ghi trong chứng minh thư, hộ khẩu...

Thưa ông, những phân tích của ông đều cho thấy có nhiều tồn tại nếu không thừa nhận chuyển giới tại Việt Nam. Vậy ông có cho rằng trong lần lấy ý kiến luật dân sự sửa đổi về nội dung này sẽ được mọi người ủng hộ không?

Những phân tích này đều dựa cả vào sự tác động đến xã hội, đến cá nhân của người chuyển giới. Tôi nhận thấy những ảnh hưởng của việc không công nhận việc chuyển giới đến xã hội nhiều hơn là tác động đến cá nhân, vì thế tôi ủng hộ xu hướng vì lợi ích của cộng đồng.

Về việc nếu được pháp luật cho phép, những người chuyển giới chịu ảnh hưởng trước tiên, về chính sức khỏe của họ. Vì khi chuyển giới, họ sẽ phải sử dụng các hóc môn, thường xuyên, liên tục trong suốt cuộc đời dẫn tới bệnh tật, trong đó có ung thư. Các nhà khoa học cũng đã khẳng định, khi chuyển giới, chấp nhận liệu trình sử dụng hóc môn hàng ngày, người chuyển giới đã phải tự tước đi 20 năm được sống của mình do tuổi thọ của người chuyển đổi giới tính giảm 20 năm.

Chưa kể họ sẽ không được thỏa mãn về tình dục, không thể có con khi quan hệ thông thường. Nếu có con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cũng là bi kịch lớn, liên quan đến nhận thức, quan niệm, đạo đức xã hội.... Tất cả những thiệt thòi đó tác động trực tiếp đến cá nhân người chuyển giới, nhưng họ vẫn chấp nhận, vẫn muốn được sống thực với giới tính mong muốn của mình. Vì thế, tôi cho rằng họ có quyền được sống thật với giới tính của mình.

Họ khao khát sống thực với giới tính của mình đến mức không cho phép vẫn “vượt rào” chuyển giới dù tiềm ẩn vô cùng rủi ro. Khi trở về Việt Nam, dù không được pháp luật công nhận, chúng ta cũng không thể bắt họ quay trở về hình hài cũ, cũng không thể “tiêu hủy sản phẩm” như một sản phẩm sai phạm, vì họ là con người. Vì thế tôi cho rằng không thể né tránh, phải nhìn vào quyền lợi của họ, quyền được sống thật với giới tính của họ để pháp luật nên cân nhắc cho phép thực hiện trong một số tường hợp đặc biệt.

Tuy nhiên cần có những quy định chặt chẽ, nhằm tránh hiện tượng chuyển giới tính do tâm lý đua đòi của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Thưa ông, tại Việt Nam, các cơ sở y tế có khả năng thực hiện được phẫu thuật chuyển giới không?

Tôi khẳng định, y tế Việt Nam chúng ta đã làm chủ kỹ thuật chuyển giới. Suốt thời gian qua chúng ta đã thực hiện rất tốt việc phẫu thuật đề xác định lại giới tính. Vì thế, khi pháp luật cho phép, các cơ sở y tế được chỉ định hoàn toàn có thể thực hiện kỹ thuật này.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Y tế có đề xuất liên quan đến vấn đề chuyển giới. Trước đó, năm 2005 Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất này nhưng không được quốc hội thông qua. Tất nhiên, các đại biểu sẽ phải cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra ý kiến ủng hộ hay cấm.

Vì thực tế, hiện chỉ có hơn 20 quốc gia thừa nhận chuyển đổi giới tính, là số ít trong số 200 quốc gia vùng lãnh thổ. Riêng khu vực châu Á có 5 nước gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Nepal và Thái Lan thừa nhận việc chuyển giới. Nếu Việt Nam cho phép là một bước đột phá trong bước nhìn nhận về giới tính thứ 3.


Hồng Hải (thực hiện)