1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Bình Dương:

Vụ trẻ sơ sinh tử vong: Cuộc điện thoại mặc cả bồi thường

(Dân trí) - “Ối đã vỡ từ khi vợ tôi còn ở bệnh viện huyện, nhưng gần 24 giờ sau họ mới mổ bắt con. Rõ ràng thằng bé bị chết ngạt nhưng họ đổ lỗi “tim thai suy”. Tôi vừa đưa thằng bé đi hỏa táng thì họ gọi điện mặc cả, yêu cầu rút đơn kiện”.

Anh Đặng Văn Tiến, giận run người sau khi đọc đoạn phát ngôn đăng trên Dân trí của ông Văn Quang Tân, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương nơi đứa con xấu số của vợ chồng anh vừa tử vong.

"Con tôi chưa kịp cất tiếng khóc"

Kẻ miền Tây, người miền Trung, cũng vì cuộc sống khó khăn nên họ dạt đến miền Đông Nam Bộ kiếm kế sinh nhai. Sự đồng cảm của cảnh nghèo đã đưa anh Tiến và chị Hà xích lại gần nhau, hơn 3 năm trước họ nên vợ nên chồng sau lễ cưới đạm bạc.
 
“Có lẽ đường con cái của vợ chồng chị ấy quá chông gai, sau khi cưới chị đã một lần mang bầu nhưng thai ngoài tử cung nên chỉ vài tháng sau đã phải mổ để bỏ đứa bé.” Chị Phan Thị Nga, em gái chị Hà gạt nước mắt.

Người mẹ khốn khổ cả hai lần mang thai đều mất con
Người mẹ khốn khổ cả hai lần mang thai đều mất con

“Gần 2 năm trôi qua sau lầy sảy ấy, thấy vợ chồng chị chưa có bầu bí gì tôi gặng hỏi thì chị nói “Thả đấy chứ nhưng mà không được, chắc chị khó có bầu trở lại”. Rồi một hôm, mới 5 giờ sáng khi tôi đang ngủ say thì chuông điện thoại vang lên, từ đầu máy bên kia giọng chị như vỡ òa “Nga ơi chị đã có thai rồi…!”

Niềm hạnh phúc vô bờ của vợ chồng anh Tiến bắt đầu từ ngày ấy. “Tôi mong thời gian qua thật nhanh để vợ chồng tôi được nghe tiếng khóc, được bế con mình trên tay. Bài học từ lần mang thai trước khiến vợ chồng tôi thấy phải có trách nhiệm chăm sóc con ngay từ khi chưa thành hình hài. Công việc bận rộn nhưng vợ tôi không bỏ sót lần khám thai định kỳ nào. Suốt 9 tháng trời, mọi chỉ số sức khỏe của hai mẹ con đều trong giới hạn bình thường. Để an tâm hơn, tôi nhiều lần đưa vợ từ Bình Dương vượt hàng chục cây số xuống quận 7, TPHCM nhờ nhóm bác sĩ của bệnh viện Từ Dũ làm tại phòng mạch tư kiểm tra”.

“Đồng lương công nhân ít ỏi nhưng để chào đón con mình, chúng tôi đã chắt bóp để mua sắm những thứ cần thiết như, tã lót, quần áo, giày dép, mũ nón, vớ chân, vớ tay… Hơn một tuần trước ngày dự sinh, mẹ vợ tôi đã ngoài 70 cũng lặn lội từ Hà Tĩnh để vào phòng trọ phụ con, chăm cháu. Gia đình tôi chỉ còn chờ giây phút mừng con về nhà… Nhưng tôi chưa kịp ôm hôn con mình”.

“Họ đã bỏ mặc vợ con tôi đến chết”

Nén nỗi đau mất con, anh Tiến nghẹn ngào: “Vợ tôi đã vỡ ối từ khi còn ở bệnh viện huyện. Trước lúc chuyển lên bệnh viện tỉnh, bác sĩ còn dặn không cho cô ấy ăn để mổ liền. Gia đình đã chuẩn bị sẵn cho tình huống vợ tôi phải mổ để bắt con, nhưng sau khi nhập viện, họ để cô ấy nằm ngoài hành lang chờ mòn mỏi trong tình trạng sốt cao. Suốt thời gian nằm viện, nước ối liên tục thoát ra ngoài, quá lo lắng, tôi cùng gia đình cố năn nỉ để được mổ sớm nhưng họ kiên quyết từ chối”. 

Hạnh phúc của vợ chồng anh Tiến bỗng trở thành tang tóc
Anh Tiến bên vợ

Trước vấn đề trên, trả lời Dân trí trong chiều muộn ngày 31/7, ông Văn Quang Tân, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, cho biết: “Sản phụ được bệnh viện huyện Thuận An chuyển đến với các thông tin: con lần 1 (40,5 tuần), ối vỡ sớm, tiên lượng thai to. Tuyến dưới nói chưa chắc đã đúng nên chúng tôi phải xem xét lại dựa trên khoa học chứng cứ. Mọi diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân khi nhập viện đều bình thường, chúng tôi quyết định cho sản phụ chờ sinh thường”.

Ông Tân khẳng định: “Sản phụ nhập viện lúc 12h30' ngày 28/7 và được can thiệp mổ bắt con lúc 9h ngày 29/7, thời gian chờ đợi chỉ khoảng 21 tiếng”. Tuy nhiên, anh Tiến cho rằng: “Việc tự rút ngắn thời gian của ông Tân nhằm mục đích gì tôi chưa rõ. Bác sĩ có thể nhầm lẫn kíp mổ của bệnh nhân này với bệnh nhân khác nhưng gia đình tôi thì không thể nhầm. Khoảng 11 giờ họ vội vã đẩy vợ tôi đi, thằng bé được mổ ra ngoài lúc 11h15 phút. Cùng lúc ấy, họ gọi tôi vào xem mặt thằng bé lần đầu và cũng là lần cuối. Họ đã bỏ mặc vợ con tôi trong tình trạng đã khô nước ối, cho đến khi thằng bé chết ngạt nhưng họ lại đổ lỗi cho tim thai suy”.

Ông Tân thừa nhận: “Khi phát hiện tình trạng tim thai suy chúng tôi tiến hành can thiệp hồi sức thai rồi mang đi mổ ngay. Theo mô tả của bác sĩ trong ca mổ, cháu bé được bắt ra khỏi bụng mẹ trong tình trạng ngạt tím, nước ối màu xanh, không khóc, không hồi sức được”. Cũng theo ông Tân, tình trạng tim thai suy có thể là do nội tại của cháu bé; tình trạng của người mẹ hoặc môi trường.

Ông Tân thừa nhận cháu bé ngạt tím khi được đưa ra khỏi bụng mẹ
Ông Tân thừa nhận cháu bé ngạt tím khi được đưa ra khỏi bụng mẹ

Sau khi Trung tâm Giám định Pháp y, TPHCM tiến hành giải phẫu tử thi, sáng 31/7 gia đình đưa thi thể bé trai xấu số đi hỏa táng. Đang trong lúc tang gia bối rối, vào lúc 13h49', số máy của chị Hà (chị Nga giữ dùm) bất ngờ nhận cuộc gọi từ số máy 0937.351.450. Theo nội dung gia đình phản ánh và file ghi âm của 4 cuộc gọi trong ngày, người gọi đến (giọng nữ) không xưng đích danh nhưng thừa nhận bản thân là bác sĩ có tham gia ca trực xảy ra tử vong của con chị Hà.

“Bây giờ thằng bé cũng đã mất rồi, chị hy vọng vợ chồng em sáng suốt để đưa ra quyết định có lợi nhất cho mình. Em có kiện, mai mốt cũng chẳng giải quyết được việc gì đâu… Đừng làm lớn chuyện nữa, rút đơn kiện về đi, 3 bác sĩ tụi chị sẽ bồi thường cho vợ chồng em 20 triệu đồng”.

Ở cuộc gọi cuối cùng người phụ nữ tiếp tục ra mức giá 20 triệu đồng thì chị Nga lên tiếng “Chị nghĩ 20 triệu của chị có thể mua được sinh mạng con tôi hay sao?” người phụ nữ xưng bác sĩ đáp lại: “Em cứ bàn bạc với chồng đi, khi nào quyết định báo chị hay. Chị không được quyền chỉ định mổ, em có kiện thì đi mà kiện ông Tân ấy, chị chỉ đường cho mà đi…”

Vân Sơn