1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ tiểu phẫu tại phòng khám Đại Đông: Phòng khám nói gì?

(Dân trí) - Cả phiên dịch và bác sĩ đều không mang bảng tên, mặc áo blouse giống nhau, khi giáp mặt phóng viên người phiên dịch tìm cớ “bỏ trốn”.

Nữ phiên dịch “bỏ trốn”

Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo Phòng khám Đa khoa Đại Đông (số 461 Cộng Hòa, phường 15, quận Tân Bình, TPHCM) của 2 bệnh nhân Đinh Thị Ph. (SN: 1989) và Võ Thành Tr. (SN: 1992), để làm rõ quá trình khám, chỉ định can thiệp cho người bệnh, ngày 16/4, phóng viên đã làm việc với Giám đốc; bác sĩ phụ trách chuyên môn; bác sĩ trực tiếp khám, điều trị cùng người phụ trách phiên dịch thông tin chuyên môn từ bác sĩ cho người bệnh tại phòng khám Đại Đông.

Vụ tiểu phẫu tại phòng khám Đại Đông: Phòng khám nói gì? - 1

Phòng khám Đại Đông theo góc hình từ đường Cộng Hòa

Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc phòng khám Đại Đông xác nhận, cả 2 trường hợp Báo Dân trí phản ánh thông tin đều được khám và can thiệp tại đây. Người trực tiếp điều trị cho 2 bệnh nhân trên là nữ bác sĩ mang quốc tịch Trung Quốc Guan Meizhl (có bản photo chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh do Bộ Y tế Việt Nam cấp ngày 1/12/2017 số: 036170/BYT-CCHN). Người phụ trách phiên dịch cho bác sĩ là Hong Sẹc In (có bản photo giấy chứng nhận đủ điều kiện phiên dịch tiếng Trung trong khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam do Đại học Y Dược, TPHCM cấp ngày 19/10/2017, số: 27783/A002/GCN-ĐTNL)

Người phụ trách chuyên môn của phòng khám là BS Phan Văn Minh không nắm rõ bệnh cảnh của cả 2 ca bệnh nên phóng viên đề nghị được trao đổi trực tiếp với bác sĩ người Trung Quốc và phiên dịch viên. Cả bác sĩ và phiên dịch xuất hiện sau khi vừa làm tiểu phẫu cho một ca bệnh (thông tin từ bà Hồng) với đồng phục blouse như nhau, không mang bản tên. Khi phóng viên ghi lại hình ảnh trên thì nữ phiên dịch phản ứng rồi tìm cớ “bỏ trốn”.

Vụ tiểu phẫu tại phòng khám Đại Đông: Phòng khám nói gì? - 2

Nữ phiên dịch (bên trái) bất hợp tác tìm cớ tránh mặt khi bị ghi hình

Trong quá trình làm việc, phòng khám không cung cấp được giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (vì để ở nơi khác – bà Hồng) nhưng khẳng định việc tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị, thu phí điều trị của các bệnh nhân trên là đúng phạm vi chuyên môn được cấp phép, tuân thủ quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, khi bị chất vấn về khoản tiền 1.370.000 đồng thu của bệnh nhân Đinh Thị Ph. nhưng không có hóa đơn chứng từ, các biên lai thu tiền đều không có chữ ký xác nhận của người bệnh cũng như người thu thì phòng khám không chứng minh được tính minh bạch về tài chính và thừa nhận thừa nhận sai sót.

Lập luận của phòng khám bất nhất

Thông tin được người phiên dịch khác của phòng khám truyền đạt qua trao đổi của phóng viên với BS Guan Meizhl được biết: “Bệnh nhân Đinh Thị Ph. đến phòng khám ngày 2/4 để khám phụ khoa trong tình trạng ra nhiều huyết trắng. Khai thác bệnh sử bệnh nhân cho biết trong vòng 3 tháng qua bệnh nhân đau bụng, đau rát khi quan hệ, mới sinh con 15 tháng, huyết trắng đặc quánh, đi cầu ra phân sống. Bệnh nhân được xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh học, siêu âm đầu dò, điện tim, soi cổ tử cung. Kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, ngoài ra không có bệnh lý khác”.

Vụ tiểu phẫu tại phòng khám Đại Đông: Phòng khám nói gì? - 3

Kết quả kiểm tra hình ảnh của bệnh nhân Đinh Thị Ph. do phòng khám cung cấp

Bệnh nhân được chỉ định thực hiện phương pháp đốt điện điều trị tổn thương cổ tử cung với chi phí 16.800.000 đồng chưa bao gồm thuốc truyền và vật lý trị liệu. Sau thủ thuật, bệnh nhân được gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm, tổng số tiền cho các dịch vụ là 20.018.000 đồng.

Bác sĩ khẳng định không chẩn đoán 2 buồng trứng và bên trong tử cung có rất nhiều nang, không chỉ định điều trị nang cũng như các can thiệp khác theo nội dung người bệnh phản ánh.

Tuy nhiên, lập luận của phòng khám lại “bất nhất” khi phóng viên đưa bằng chứng kết quả siêu âm của người bệnh với kết luận “theo dõi buồng trứng phải đa nang” cùng với kết quả siêu âm buồng trứng bình thường khi bệnh nhân đến Từ Dũ kiểm tra lại. Phòng khám xác nhận, kết luận “theo dõi buồng trứng phải đa nang” do Đại Đông thực hiện.

Dù bác sĩ khẳng định chỉ đốt điện điều trị tổn thương cổ tử cung nhưng khi bị chất vấn về kết luận “buồng trứng đa nang” và kết quả kiểm tra không ghi nhận bất thường của bệnh việ Từ Dũ thì lại cho rằng việc truyền thuốc điều trị đã giúp tiêu nang cho người bệnh.

Vụ tiểu phẫu tại phòng khám Đại Đông: Phòng khám nói gì? - 4

Bác sĩ của phòng khám Đại Đông vừa can thiệp điều trị vừa chẩn đoán chỉ định can thiệp nhiều bệnh khác

Liên quan đến khiếu nại của bệnh nhân Đỗ Ngọc Tr. phía phòng khám cho biết, số tiền 9.800.000 đồng bệnh nhân chi trả được thực hiện theo công nghệ Mỹ và chưa có thuốc gây tê. Phòng khám phủ nhận việc hù dọa bệnh nhân về nguy cơ ung thư. Số tiền bệnh nhân phải đóng thêm 5.000.000 đồng là tiền tiêm thuốc gây tê. Tuy nhiên, phòng khám Đại Đông không dẫn chứng được những quy định cho phép vừa can thiệp điều trị, vừa chẩn đoán thêm nhiều bệnh lý khác rồi chỉ định thực hiện khi bệnh nhân đang nằm trên bàn giải phẫu. Mặt khác, họ lại cho rằng mọi thủ thuật thực hiện đều có cam kết đồng ý của người bệnh.

Ngày 17/4, phóng viên tiếp tục liên hệ với BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM về nội dung bạn đọc khiếu nại, tố cáo phòng khám Đại Đông. Bà Mai cho biết sẽ rà soát lại thông tin, sớm có phản hồi đến Dân trí.  

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm