Vụ tai nạn 13 người tử vong: Ca phẫu thuật xuyên đêm cứu 2 nạn nhân
(Dân trí) - Xác định nạn nhân bị chấn thương rất nặng, nguy cơ liệt cao các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện liên tiếp 2 ca phẫu thuật xuyên đêm. Sau ca mổ, hiện sức khỏe người bệnh đã tạm ổn, tiên lượng có thể phục hồi được vận động.
Rạng sáng ngày 22/4, vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tại Bình Thuận đã khiến 13 người chết và 40 người bị thương. Trong số đó, 3 nạn nhân bị thương nặng gồm: Vy Thanh Hiếu (SN: 1970); Phạm Trần Thanh Tâm (SN: 1994); Hoàng Hữu Tâm (SN: 1964) đã được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.
Sau khi tiếp nhận cấp cứu, các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện kiểm tra hình ảnh. Kết quả hội chẩn chỉ ra, bệnh nhân Thanh Tâm bị vỡ đốt sống (D12), có mảnh vỡ rời chèn ép tủy sống; bệnh nhân Hữu Tâm bị vỡ đốt sống thắt lưng (L1). Cả hai bệnh nhân trong vụ tai nạn đều đối mặt với nguy cơ bại liệt.
Để khẩn trương cứu chữa cho người bệnh, ngay trong đêm, ê kíp phẫu thuật liên chuyên khoa tại bệnh viện Chợ Rẫy đã quyết định thực hiện liên tiếp 2 cuộc mổ cấp cứu. TS.BS Nguyễn Ngọc Khang - Phó khoa Ngoại Thần kinh cho biết, ca mổ thứ nhất được tiến hành cho bệnh nhân Phạm Trần Thanh Tâm. Đây là bệnh nhân được chẩn đoán gặp phải thương tích nặng, phim CT-Scan cho thấy mảnh xương vỡ chèn ép tủy sống đã khiến người bệnh bị liệt 2 chân.
Cuộc mổ cho bệnh nhân Thanh Tâm được tiến hành lúc 23h ngày 22/5. Các bác sĩ đã phẫu thuật giải ép, đồng thời đặt nẹp cột sống cho người bệnh. Sau 3 giờ khẩn trương, ca mổ đã được thực hiện thành công.
Chưa đầy một giờ sau, các bác sĩ tiếp tục bước vào ca phẫu thuật thứ 2 cho bệnh nhân Hoàng Hữu Tâm. Đây là ca bệnh bị vỡ đốt sống thắt lưng (L1). Ca mổ kết hợp xương, cố định đốt sống cho bệnh nhân diễn ra từ 3h ngày 23/5 và kết thúc thành công vào 6h sáng cùng ngày.
Sau mổ, cả hai bệnh nhân đang được chăm sóc, điều trị tại khoa Ngoại Thần kinh. BS Ngọc Khang cho biết, kết quả thăm khám lại sau phẫu thuật ghi nhận, bệnh nhân Phạm Trần Thanh Tâm đã tỉnh táo, các ngón của cả hai chân đã nhúc nhích được, tiên lượng phục hồi vận động của người bệnh tương đối khả quan. Quá trình phẫu thuật ghi nhận, tủy chỉ bị chèn ép chứ không bị dập nên sau khi giải ép tủy thì khả năng vận động 2 chân đã bắt đầu hồi phục.
Bệnh nhân Hoàng Hữu Tâm, hiện cũng đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt sau phẫu thuật. Tuy vết mổ còn đau nhiều, 2 chân bị tê và yếu nhưng vẫn cử động được, bác sĩ hi vọng khả năng hồi phục vận động sẽ giúp bệnh nhân có cuộc sống bình thường sau tai nạn.
Riêng trường hợp bị bỏng nặng là nạn nhân Vy Thanh Hiếu, tình trạng đang ngày càng nguy cấp. BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình cho hay, dù chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng tình hình bệnh nhân Hiếu vẫn rất nguy kịch, chưa có dấu hiệu cải thiện. Với tình trạng bỏng sâu và bỏng hô hấp, tiên lượng phục hồi ở người bệnh rất khó khăn.
Đứng bên giường bệnh của con trai tại khoa Ngoại Thần kinh, bà Trần Thị Kim Anh (quê Quảng Ngãi, mẹ bệnh nhân Phạm Trần Thanh Tâm) nghẹn ngào: “Khi nghe tin con gặp nạn, tôi gần như ngã quỵ. Năm 2008, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của chồng tôi, nay lại đến lượt con.”
Cũng theo lời bà Kim Anh, sau khi cha mất, Thanh Tâm đã phải thôi học, hơn 2 năm qua Tâm xin vào làm phụ xe cho nhà xe Phương Trang. Hiện Thanh Tâm đã có vợ và một đứa con nhỏ mới 20 tháng tuổi. Tiền lương từ công việc phụ xe là thu nhập chính để Tâm nuôi vợ và con. Tai nạn xảy ra đang đẩy gia đình nhỏ rơi vào cảnh khốn cùng. Nhìn Tâm như người mất hồn trên giường bệnh, bà Kim Anh chỉ còn biết nuốt nước mắt, cầu cho con tai qua nạn khỏi, thoát khỏi cảnh phải liệt giường để đứa cháu nhỏ có nơi nương tựa.
Vân Sơn