Vụ sản phụ băng huyết tử vong: Gia đình yêu cầu bệnh viện bồi thường 1,5 tỷ đồng
(Dân trí) - Cho rằng nguyên nhân khiến vợ mình tử vong là do sự tắc trách của y bác sĩ, anh Dũng chính thức yêu cầu bệnh viện An Bình bồi thường 1,5 tỷ đồng. Chồng sản phụ quá cố cũng gửi đơn khiếu nại đến Bộ trưởng Y tế và cơ quan Công an điều tra.
Hơn 4 tháng kể từ ngày sản phụ Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) tử vong sau khi con tại bệnh viện An Bình (quận 5, TPHCM), giữa bệnh viện và gia đình vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết.
Như Dân trí đã thông tin, liên quan đến vụ việc này, ngày 3/11/2014 ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố đã ký văn bản kết luận của Hội đồng chuyên môn cấp Sở gửi tới gia đình nạn nhân.
Theo đó, Hội đồng chuyên môn kết luận: “Do chưa đủ cơ sở để kết luận chính xác về nguyên nhân tử vong (không thực hiện giải phẫu tử thi) nên hội đồng nghĩ nhiều đến bệnh nhân có tình trạng sốc không phục hồi có thể do mất máu vì đờ tử cung. Tinh thần trách nhiệm của kíp trực trong quá trình tiếp nhận bệnh, chẩn đoán, xử trí là tích cực. Diễn tiến bệnh quá nhanh, khó tiên lượng và kíp trực còn hạn chế về kinh nghiệm chuyên môn”.
Kết luận trên của Hội đồng chuyên môn đã không nhận được sự đồng thuận của gia đình. Anh Phạm việt Dũng cho rằng, kết luận của Sở Y tế trả lời một cách rất chung chung, không có tinh thần trách nhiệm, còn mang tính hình thức, không đúng trọng tâm của vụ việc.
Theo Anh Dũng, việc điều trị dẫn đến chết người đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng Hội đồng chuyên môn đã không đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra hoặc đề nghị gia đình cho khai quan để giải phẫu tử thi, làm sáng tỏ cái chết của vợ tôi. Thuật ngữ “có thể mất máu vì đờ tử cung” chỉ có thể xem là một nhận định chứ không thể được xem là kết luận.
Theo anh Dũng, Sở Y tế kết luận kíp trực còn hạn chế về kinh nghiệm chuyên môn nhưng lại không nêu cụ thể ai là người hạn chế và yếu kém như thế nào. Bản kết luận cũng thể hiện sự mâu thuẫn khi cho rằng tinh thần trách nhiệm của kíp trực là tích cực. Nếu tiếp nhận bệnh, chẩn đoán và xử lý tốt thì tại sao lại dẫn đến chết người. Bên cạnh đó, các vẫn đề thể hiện sự sai phạm nghiêm trọng của bệnh viện An Bình như bệnh viện giả mạo chữ ký của tôi trong hồ sơ bệnh án, vợ tôi tử vong tại bệnh viện nhưng lại bắt ký giấy “bệnh nặng xin về” đã bị Hội đồng chuyên môn Sở Y tế bỏ qua.
Anh Dũng cho biết: “Vợ tôi là lao động chính trong gia đình, từ khi cô ấy tử vong đến nay, một mình tôi phải rất vất vả để nuôi 3 đứa con nhỏ. Bố con tôi đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong cuộc làm việc mới đây với bệnh viện An Bình, tôi đã yêu cầu phía bệnh viện bồi thường 1,5 tỷ đồng cho tổn thất về sinh mạng chi phí mai táng cho vợ tôi, tổn thất tinh thần của gia đình và việc chăm sóc nuôi dưỡng 3 đứa con thơ đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, phía bệnh viện chưa chấp thuận mà chỉ hứa sẽ nâng mức hỗ trợ từ 100 triệu lên 150 triệu đồng”.
Cho rằng cái chết của vợ mình là do sự tắc trách của y bác sĩ khi không thực hiện điều trị cũng như xử trí các tình huống theo quy định của Bộ Y tế, ngày 9/12 anh Phạm Việt Dũng đã gửi đơn khiếu nại đến Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đơn tố cáo đến ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TPHCM, đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc.
Liên quan đến thông tin “Thành viên của hội đồng chuyên môn là chồng bác sĩ phẫu thuật” Dân trí phản ánh, BS Lê Thị Anh Thư là người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cắt tử cung cho sản phụ Hạnh nhưng thành viên trong Hội đồng chuyên môn cấp Sở lại có sự tham gia của chồng BS Anh Thư là BS Lê Quang Thanh, Giám đốc bệnh viện Từ Dũ.
Để chấn chỉnh thực tế trên và đảm bảo tính khách quan của Hội đồng chuyên môn, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM vừa ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động chuyên môn của hội đồng chuyên môn thuộc sở. Theo đó, người trong hội đồng chuyên môn phải là người không có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vụ việc mà hội đồng đang thụ lý giải quyết.
Vân Sơn