Vụ học sinh lớp 6 có bầu 7 tháng: Nguy cơ tai biến sản khoa rất cao

Với cơ thể chưa trưởng thành, khung xương chậu và bộ phận sinh dục chưa phát triển đầy đủ thì việc (K.H Đông Thọ, TP Thái Bình) mang thai là cực kỳ nguy hiểm, với những tai biến sản khoa như: đẻ non, thai chết trong tử cung hoặc vỡ tử cung...

Theo BS Bùi Thị Thoan, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thái Bình, sau 1 tuần điều trị tại bệnh viện vì dọa đẻ non, bệnh nhi đã xuất viện. Hiện sức khỏe của cháu K.H đã tạm thời ổn định.

 

Tuy nhiên, BS Thoan cũng cho biết mặc dù ở thời điểm hiện tại thì sức khỏe cũng như thai nhi trong bụng đang tạm ổn định nhưng chưa thể nói trước được điều gì vì tai biến sản khoa có thể đến bất cứ lúc nào, nhất là khi K.H còn quá bé.

 

Đồng quan điểm, BS Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) nhận định, với cơ thể chưa trưởng thành, nội tiết mới bắt đầu dậy thì, khung xương chậu và bộ phận sinh dục chưa phát triển đầy đủ thì việc K.H mang thai là cực kỳ nguy hiểm. Bé có thể sẽ phải đối mặt với những tai biến sản khoa như: Đẻ non, thai chết trong tử cung hoặc vỡ tử cung nếu không được cán bộ y tế kiểm soát.

 

Vì vậy, bà Hồng khuyến cáo gia đình nạn nhân nên để thai tiến triển tự nhiên nhưng phải được thăm khám thường xuyên khi có bất thường để bác sỹ có thể tiên lượng và kiểm soát được cuộc đẻ để an toàn. Thông thường, những ca đẻ theo dõi quy trình như nhau. Nhưng với những bà mẹ trẻ em này thì cuộc đẻ sẽ rất khó khăn. Nếu có tai biến xảy ra thì các em có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng vô sinh sau này.

 

Đánh giá về việc không phá thai, bà Hồng cho rằng đây là quyết định đúng vì thông thường với những người đã trưởng thành, khi tuổi thai trên 22 tuần trở lên đã được chống chỉ định phá.

 

Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thai 22 tuần trở lên được gọi là trẻ đẻ non và có thể nuôi sống được. "Nguy cơ lớn nhất là vỡ tử cung khi phá thai to. Trong trường hợp vỡ tử cung, sẽ vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra, em bé sẽ phải đối mặt với nguy cơ vĩnh viễn không được làm mẹ. Thực tế, nếu phát hiện tuổi thai sớm mà phá bỏ cũng nguy hiểm, chưa nói gì đến tuổi thai quá lớn như thế này", BS Hồng xót xa nói.

 

Cũng theo BS Hồng, trong tình huống cuộc sinh nở được an toàn thì đứa trẻ sinh ra từ những "bà mẹ trẻ con" này rất dễ bị suy dinh dưỡng vì quá trình mang thai, dinh dưỡng người mẹ không tốt, không có tâm lý để bồi bổ thai nhi. Trí tuệ, thể lực của đứa trẻ sau này phụ thuộc rất lớn vào chế độ dinh dưỡng và thể chất của người mẹ khi mang thai.   
 

Sự việc được phát hiện trong dịp chị L về nước làm giỗ cha. Thấy con gái da dẻ xanh xao, khuôn mặt mệt mỏi, chị vội đưa con đến bệnh viện tỉnh khám. Chị ngỡ ngàng khi con gái bị chuyển từ khoa nhi sang khoa sản. Rồi chị như chết lặng khi nghe bác sỹ thông báo con gái chị đã có thai 26 tuần tuổi.

 

Không tin vào kết quả kiểm tra của bác sỹ Bệnh viện tỉnh Thái Bình, chị L đưa con về nhà trong tâm trạng hoang mang tột độ. Run run hỏi chị gái đã thấy K.H “đến tháng” bao giờ chưa? Người chị cho biết có thấy cháu “bị” hai tháng, sau đó không gì nữa. Thời điểm ấy, người bác cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều người về vấn đề này. Nhưng đại đa số cho rằng, con gái mới dậy thì, chuyện kinh nguyệt không đều cũng là chuyện bình thường, phải một thời gian sau mới ổn định nên người bác cũng yên tâm. Chị gái chị L còn khẳng định chị đã trông nom cháu gái cẩn thận, bằng chứng là K.H ngủ cùng chị trong buồng, còn hai con gái chị ngủ ở giường bên ngoài.

 

Để chắc chắn, chị L đưa con gái lên Bệnh viện Phụ sản TƯ. Kết luận siêu âm của bệnh viện tuyến đầu sản khoa này cũng khẳng định K.H mang bầu 26 tuần tuổi với tình trạng nước ối và thai nhi phát triển bình thường. Bác sỹ cho biết không thể chỉ định phá thai được vì thai đã quá lớn, cố phá sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Mà nếu để đẻ thì cũng nguy hiểm không kém vì cơ thể cháu còn quá bé.
 
Vừa qua, 19/4, bé K.H đã phải nhập viện vì dọa đẻ non.
 
Theo Gia đình