Khánh Hòa:

Vụ cụ bà mang “thai đá”: Chưa xác định khối thai nằm ở đâu

(Dân trí) - “Tui cũng không hiểu vì sao mà mình mang khối thai này, cho đến khi bị đau lưng rồi đi viện khám bệnh, bác sỹ nói tui mới biết”, cụ Sáu - người đàn bà đầu tiên tại Việt Nam mang “thai đá” tâm sự.

Sáng 31/3, tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cam Ranh, các chuyên gia y khoa đầu ngành của tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hội chẩn liên viện để tìm phương án điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị Sáu (76 tuổi, trú phường Cam Lộc, TP Cam Ranh, Khánh Hòa) sau khi phát hiện cụ bà này mang khối thai gần 30 năm.

Các chuyên gia đang thăm khám cho cụ Sáu, sáng 31/3.
Các chuyên gia đang thăm khám cho cụ Sáu, sáng 31/3.

Trường hợp “thai đá” đầu tiên tại Việt Nam

Trao đổi với PV Dân trí, bác sỹ Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cam Ranh cho biết kết thúc buổi hội chẩn, các bác sỹ đã đi đến thống nhất khối thai trong cơ thể cụ Sáu là “thai đá”.

Tuy nhiên, việc khối thai này nằm trong hay ngoài tử cung thì vẫn chưa thể xác định. Do đó, hướng điều trị tiếp theo là điều trị nội khoa và bổ sung các phương tiện cận lâm sàng để xác định khối thai có gây biến chứng chèn ép các cơ quan lân cận hay không. Sau khi có kết quả cận lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cam Ranh sẽ báo cáo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa để có kế hoạch hội chẩn liên viện lần 2 tìm hướng điều trị tiếp cho bệnh nhân.

“Do chưa xác định khối thai nằm trong hay ngoài tử cung nên vấn đề mổ hay chưa mổ vẫn chưa thể đặt ra được. Đây là vấn đề rất quan trọng vì nếu khối thai nằm trong tử cung thì phẫu thuật rất đơn giản, nhưng nếu nằm ngoài tử cung chắc chắn sẽ dính các cơ quan lân cận như trực tràng, bàng quang, hệ thống mạch máu…”, bác sỹ Quang nói.

Theo các bác sỹ, trường hợp mang “thai đá” của cụ Sáu là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam.
Theo các bác sỹ, trường hợp mang “thai đá” của cụ Sáu là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam.

Bác sỹ Nguyễn Hồng Quang cho biết thêm, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành ở trong nước và các tài liệu y học có liên quan, trường hợp mang “thai đá” của cụ Sáu là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam và hiện trên thế giới chỉ ghi nhận khoảng 300 ca.

“Tuổi thai trong cơ thể cụ Sáu ít nhất là 27 năm, còn lâu nhất là khoảng 40 năm. Hiện khối thai này chỉ gây khó chịu chứ chưa gây ảnh hưởng gì lớn đến sức khỏe bệnh nhân”, bác sỹ Quang nói thêm.

“Tui không hiểu vì lý do gì…?”

Trước đó, ngày 22/3, sau khi bị đau cột sống thắt lưng và vùng hạ vị, cụ Sáu được con cháu đưa vào Bệnh viện đa khoa Khu vực Cam Ranh để thăm khám. Tại đây, sau khi thăm khám và chụp X-quang, các bác sỹ phát hiện có hình hài bào thai nằm trong ổ bụng của cụ bà.

Để có căn cứ chính xác và phương án xử lý tốt nhất cho cụ, ngày 24/3, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cam Ranh đã làm thủ tục chuyển cụ lên Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa chụp MRI có cản từ.

Kết quả chụp MRI cho thấy có khối bất thường trong ổ bụng vùng hạ vị, ở sau bàng quang, có hình dạng giống thai nhi, khả năng thai vôi hóa.Các bác sỹ nhận định đây là trường hợp thai trong ổ bụng chết lưu đã rất lâu, hóa thạch (lithopedion) và hiện đang có biến chứng gây đau dữ dội vùng hạ vị và thắt lưng, có thể sẽ cần đến phẫu thuật để loại bỏ khối thai này.

Theo các bác sỹ, thai trong ổ bụng là một tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ, thai nhi thường tử vong và có tỷ lệ dị dạng cao. Trường hợp của cụ Sáu, thai nhi đã chết trong bụng và lưu lại ở đó rất lâu nhưng chưa gây nguy hiểm gì cho mẹ là điều hiếm thấy trong y khoa. Cùng với đó, cụ Sáu được làm các xét nghiệm thường quy như công thức máu, sinh hóa máu, nước tiểu… không phát hiện gì bất thường.

Kể từ ngày nhập viện đến nay, cụ Sáu đang trải qua những tháng ngày “kỳ lạ” nhất trong cuộc đời của mình. Khi phóng viên đến Cam Ranh và nhắc đến tên cụ, người dân ở đây vừa cười lại vừa cảm thông cho người đàn bà tuổi đã “gần đất xa rời” nhưng vẫn lận đận vì đường con cái.

Ngày 31/3, tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cam Ranh, vẫn còn rất đông người dân hiếu kì đến giường bệnh để xem một cụ bà gần 80 tuổi mang thai, mà khối thai này được y học xác định là “thai đá”, một chuyện chưa từng có tiền lệ.

Khối thai đá của cụ Sáu.
Khối thai đá của cụ Sáu.
Khối "thai đá" của cụ Sáu.

Tiếp xúc với PV Dân trí, cụ Sáu cho biết sau 4 lần mang thai, cụ chỉ có duy nhất một đứa con trai. Đứa con đầu tiên sinh ra được vài tuổi thì bị bệnh qua đời, những lần khác khi cụ mang thì thai bị hư hoặc sinh mổ không thành công. Trước khi được các bác sỹ phát hiện mang “thai đá” trong cơ thể, mấy chục năm qua cụ Sáu vẫn sinh hoạt, ăn uống bình thường.

“Cách đây khoảng 5 đến 6 năm do bị đau lưng nên tui có đến bệnh viện để khám. Bác sỹ nói trong người tui có một khối u nhưng đó là u hiền chứ không phải là u dữ. Sau đó vẫn có đau lưng nhưng đau ít, cho đến một tuần nay thì bị đau lưng không đi đứng được”, cụ Sáu tâm sự.

Nói về khối “thai đá” đang mang trong người, cụ Sáu buồn thiu: “Tui cũng không hiểu vì sao mà mình mang khối thai này, cho đến khi bị đau lưng rồi đi viện khám bệnh, bác sỹ nói tui mới biết”.

Con trai cụ Sáu, anh Nguyễn Xuân Hải (SN 1963), cho biết: “Trước giờ chưa nghe mẹ tôi nói gì đến bệnh tật, bà vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường. Bây giờ bệnh tật như vậy, bác sỹ nói cần phải mổ thì phải mổ chứ biết làm sao”.

Viết Hảo