1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ bột sương sáo nhiễm độc: Đơn vị quản lý thực phẩm “án binh bất động”

(Dân trí) - Thông tin 16 tấn bột sương sáo bị phát hiện chứa độc tố vừa được công bố đang gây hoang mang cho cộng đồng. Tuy nhiên, khi sự việc còn chưa rõ “trắng đen” Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm thành phố đang chọn giải pháp “án binh bất động”.

16 tấn bột sương sáo từ Trung Quốc có hàm lượng độc tố đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân
Vụ bắt giữ 16 tấn bột sương sáo có hàm lượng độc tố cao vượt quá tiêu chuẩn cho phép gây nguy hại đến sức khỏe người dân (Ảnh: Tuấn Hợp)
 
“Tôi mới chỉ biết được thông tin vụ việc qua các phương tiện truyền thông, vụ bột sương sáo bị kết luận nhiễm độc chi cục chưa nhận được thông báo hoặc chỉ đạo của đơn vị liên quan.” Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn Thực phẩm (CCVSATTP) thành phố cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên chiều 25/7 về vụ việc lô hàng 16 tấn bột sương sáo của Công ty TNHH thương mại sản xuất 3K bị công bố nhiễm độc.

- Sản phẩm Bột sương sáo đen có chứa:

 

+ Hàm lượng chì (Pb) là 2,8 mg/kg (tiêu chuẩn công bố là 2mg/kg) cao hơn gấp 1,4 lần so với tiêu chuẩn công bố,

 

+ Hàm lượng Asen (As) là 18,5 mg/kg (tiêu chuẩn công bố là 1mg/kg) cao hơn gấp 18.5 lần tiêu chuẩn công bố,

 

+ Hàm lượng thủy ngân (Hg) 0,55 mg/kg (tiêu chuẩn công bố là 0,05 mg/kg) cao hơn gấp 11 lần so với tiêu chuẩn công bố.

 

- Sản phẩm Bột sương sáo trắng có chứa hàm lượng thủy ngân (Hg) 0,37 mg/kg cao hơn gấp 7,4 lần tiêu chuẩn công bố.

Cũng theo ông Hòa, hiện lô hàng đang bị phong tỏa tại cảng Sài Gòn, chưa được phép thông quan. Sau này, nếu kết quả kiểm nghiệm không đạt thì lô hàng cũng không đến được tay người tiêu dùng. Theo thông tin cơ sở khai nhận với chi cục, trước khi lô hàng bột sương sáo 16 tấn bị Viện khoa học Hình sự xác định nhiễm độc thì công ty đã nhập một lô hàng khác, phân phối cho các siêu thị và cơ sở sản xuất những sản phẩm liên quan.

“Trước mắt, chúng tôi đang chờ kết luận của cấp trên về việc sản phẩm này có độc như vừa được công bố hay không. Nếu sản phẩm không có độc như kết quả công bố thì đó là phước cho công ty, phước cho người tiêu dùng và các đơn vị quản lý. Nhưng nếu có độc thì việc tiêu hủy hay tái xuất đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng”, ông Hòa cho hay.

Cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc xử lý vụ việc này là đơn vị Chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan. Trên thực tế, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xác nhận lô hàng đạt yêu cầu nhập khẩu và được Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm. Nhưng Viện khoa học Hình sự lại kết luận lô hàng nhiễm độc gấp nhiều lần mức cho phép. “Để xác định độc hay không đơn vị kiểm nghiệm độc lập sẽ như trọng tài”.

Ông Hòa cho biết: “Thời điểm hiện tại, chúng tôi đang giữ thái độ bình tĩnh để tránh sự nôn nóng, vội vàng trong cách giải quyết vụ việc có thể tác động xấu tới các bên liên quan. Phương pháp kiểm nghiệm khác nhau nên kết quả kiểm nghiệm cũng có thể sẽ không giống nhau. Nếu kết quả kiểm nghiệm của đơn vị trọng tài là có độc thì cần phải nghĩ tới lô hàng công ty đã nhập khẩu và phân phối trước đó cũng có vấn đề. Tôi đã dự trù sẵn những phương án có thể xảy ra nhưng hiện tại chưa thể công bố”.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 25/7 Cục An toàn thực phẩm cho biết đã có công văn yêu cầu Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) - đơn vị kiểm tra nhà nước đối với lô hàng thực phẩm nhập khẩu báo cáo cụ thể về vấn đề này. Ngày 24/7, QUATEST 3 đã có văn bản báo cáo và có ý kiến đề xuất. Cùng ngày, Cục ATTP đã mời các cơ quan liên quan họp vào sáng thứ 2 ngày 28/7/2014 để nghe báo cáo cụ thể và thống nhất phương án giải quyết vụ việc.
 
Theo tài liệu điều tra, qua kiểm tra trên hệ thống cơ sở dữ liệu cho thấy, từ năm 2013 đến nay, Công ty 3K đã nhập khẩu 3 lô hàng bột sương sáo từ Trung Quốc về Việt Nam, với khối lượng 38 tấn, trị giá hàng hóa 109.235 USD tương đương khoảng 2,3 tỷ đồng. Số hàng hóa này đã được doanh nghiệp đưa vào tiêu thụ trong nội địa.
 

 Trước đó ngày 15/4/2014, Đội 4 - Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Chi cục HQCK Cảng Sài Gòn KV I kiểm tra thực tế lô hàng thực phẩm của Chi nhánh Công ty TNHH thương mại Quốc tế Hải Phòng thuộc Tờ khai số 50471/NKD ngày 10/04/2014 gồm 07 mặt hàng: ômai, dầu hào, dầu mè, tương chua ngọt, bạch quả khô, bột sương sáo và rong biển khô là thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá 120,7 triệu đồng . Kết quả giám định đã phát hiện 3 mặt hàng là Ô mai mận, rong biển khô và Bột sương sáo không đạt tiêu chuẩn chất lượng công bố. Trong đó, 2 mặt hàng Bột sương sáo và rong biển khô có chứa hàm lượng chì, Asen cao gấp vài chục lần so với tiêu chuẩn sản phẩm đã công bố và quy chuẩn ký thuật quốc gia về hàm lượng kim loại nặng.

Vụ việc đã được Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Chi cục HQCK Cảng Sài Gòn khu vực I lập biên bản vi phạm hành chính và bàn giao cho Cục HQ TP. Hồ Chí Minh xử lý theo quy định.

Cục Hải Quan khẳng định, đây là những mặt hàng thực phẩm được người tiêu dùng sử sụng trực tiếp trong các bữa ăn hàng ngày, do vậy đã gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

16 tấn bột sương sáo từ Trung Quốc có hàm lượng độc tố đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân


Bột sương sáo, rong biển khô...là thực phẩm dùng trong các bữa ăn hàng có hàm lượng độc tố vượt tiêu chuẩn cho phép, gây nguy hại đến sức khỏe người dân (Ảnh: Tuấn Hợp)

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy, các sản phẩm thực phẩm có chứa hàm lượng kim loại nặng độc sẽ gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng như: người sử dụng thực phẩm có chưa hàm lượng chì vượt quá giới hạn tối đa cho phép sẽ làm suy giảm chỉ số thông minh ở trẻ em, suy thận, tăng huyết áp, thiếu máu, giảm trí nhớ, với phụ nữ có thể bị sẩy thai… Ngộ độc chì có thể gây phù não, phá huỷ tế bào não, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, gây vô sinh, sảy thai, phụ nữa có thai sinh non... Người sử dụng thực phẩm có chứa hàm lượng các chất Asen, thủy ngân sẽ gây bệnh ung thư.


Vân Sơn - Tuấn Hợp