Vụ bệnh viện Xanh Pôn gian lận xét nghiệm HIV: “Ăn gian” quy trình gây sai số như thế nào?

(Dân trí) - Theo WHO, phương pháp xét nghiệm nhanh HIV có độ nhạy ít nhất là 99%. Tuy nhiên, độ tin cậy của kết quả lại dễ dàng biến động bởi chính quy trình xét nghiệm của các kỹ thuật viên.

Hầu hết các phương pháp xét nghiệm nhanh HIV hiện nay hoạt động theo nguyên tắc nhận diện sự có mặt của các kháng thể HIV. Cần hiểu rằng, kháng thể HIV không phải là một phần của virus HIV mà chính là thứ cơ thể của chúng ta tiết ra, trong quá trình đáp ứng miễn dịch với sự xâm nhiễm của virus HIV, nhằm tấn công và tiêu diệt tác nhân ngoại lai này.

Vụ bệnh viện Xanh Pôn gian lận xét nghiệm HIV: “Ăn gian” quy trình gây sai số như thế nào? - 1

Có kết quả nhanh (chỉ vài chục phút sau khi tiến hành xét nghiệm), yêu cầu thao tác đơn giản là những ưu điểm vượt trội của các phương pháp xét nghiệm nhanh HIV. Tuy nhiên, sai số không hề nhỏ cùng với việc khó có thể phát hiện HIV trong giai đoạn một vài tuần đầu sau khi bị phơi nhiễm (giai đoạn cửa sổ), chính là nhược điểm cố hữu của kỹ thuật này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phương pháp xét nghiệm nhanh HIV có độ nhạy ít nhất là 99%. Tuy nhiên, độ tin cậy của phương pháp lại dễ dàng biến động bởi các yếu tố chủ quan, đặc biệt là cách vận hành quy trình xét nghiệm của các kỹ thuật viên.

Một vấn đề rất đáng quan ngại là theo số liệu được tổng hợp qua điều tra ở 48 quốc gia, chỉ có 20% các nước có quy trình xét nghiệm nhanh HIV tuân thủ theo các hướng dẫn của WHO. Đặc biệt, số lượng các báo cáo về kết quả xét nghiệm HIV chất lượng thấp ngày càng tăng lên, với tốc độ rất đáng quan ngại, hầu hết đều xuất phát từ các nguyên nhân bao gồm:

-Những nhân tố liên quan đến quá trình vận hành việc xét nghiệm.

- Yếu tố liên quan đến cơ sở vật chất kỹ thuật như bảo quản dụng cụ, mẫu sai phương pháp, lựa chọn phương pháp xét nghiệm không phù hợp.

-Sự yếu kém trong khâu quản lý, đảm bảo chất lượng đầu ra.

Vụ bệnh viện Xanh Pôn gian lận xét nghiệm HIV: “Ăn gian” quy trình gây sai số như thế nào? - 2

Có thể dễ dàng nhận ra những hậu quả nghiêm trọng của việc đưa ra kết quả sai trong các xét nghiệm HIV. Với những người nhiễm HIV nhưng lại được chẩn đoán âm tính sẽ là một rủi ro rất lớn với cộng đồng khi không được áp dụng các pháp điều trị, chống lây nhiễm kịp thời; Ngược lại những người không nhiễm HIV nhưng lại được chẩn đoán dương tính sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý, cũng như tiền bạc của người bệnh và tài nguyên thuốc điều trị HIV.

Theo thống kê, tỷ lệ kết quả xét nghiệm HIV dương tính nhầm ở nhóm các quốc gia có nguy cơ sai lệch cao là Burundi và Ethiopia lên đến 10,3% và nguyên nhân được phân tích cũng chủ yếu đến từ việc không đảm bảo trong quy trình xét nghiệm.

Vụ bệnh viện Xanh Pôn gian lận xét nghiệm HIV: “Ăn gian” quy trình gây sai số như thế nào? - 3

Vụ việc vi phạm nghiêm trọng quy trình xét nghiệm nhanh HIV tại bệnh viện Xanh Pôn đang gây rúng động dư luận.

Tại Việt Nam, mới đây ngay tại bệnh viện Xanh Pôn, bệnh viện hạng nhất thuộc Sở Y tế Hà Nội lại phát hiện một vụ việc vi phạm nghiêm trọng quy trình xét nghiệm HIV, khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Theo điều tra của nhóm phóng viên VTV24 ,các kỹ thuật viên của Phòng Xét nghiệm miễn dịch, Khoa Vi sinh đã thực hiện “chiêu trò” cắt đôi que thử HIV, với thao tác này 1 que thử dành cho 1 bệnh nhân đã được tách làm 2 và có thể sử dụng cho 2 người. Theo các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hóa sinh, đây là hành vi không thể chấp nhận được bởi hoàn toàn có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm của người bệnh.

Với hành vi bớt xén vật tư y tế này, mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân đã và đang trở thành nạn nhân của những tờ kết quả không hề có tính xác thực, kéo theo đó là những hệ lụy nghiêm trọng đối với chính bản thân bệnh nhân và cả cộng đồng.

 Minh Nhật

Theo Aidsmap, Ncbi