Vụ bê bối vắc xin “bẩn” rúng động Trung Quốc

(Dân trí) - Vụ bê bối vắc xin “bẩn” đã để lộ những lỗ hổng của hệ thống quản lý ở Trung Quốc và xói mòn niềm tin của người dân vào chương trình tiêm chủng.


Cảnh sát Trung quốc kiểm tra vắc xin tại 1 phòng khám ở tỉnh Quảng Tây

Cảnh sát Trung quốc kiểm tra vắc xin tại 1 phòng khám ở tỉnh Quảng Tây

Diễn biến vụ việc

Vụ bê bối nổ ra vào tháng Ba khi Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Trung Quốc thông báo đã phát hiện 9 công ty đang buôn bán những vắc-xin không được bảo quản đúng cách hoặc hết hạn, đồng nghĩa với việc không biết có bao nhiêu trẻ em đã bị tiêm những mũi vắc xin không có tác dụng phòng bệnh mà còn có thể gây ra tác dụng phụ.

Thủ phạm chính bị nêu tên là một dược sĩ tên là Bàng Hồng Vệ, đã mua những lô vắc-xin sắp hết hạn với giá rẻ từ các công ty dược và các đầu nậu và bán chúng ở 23 tỉnh và thành phố.

Bà Bàng bắt đầu kinh doanh trong năm 2011, chỉ hai năm sau khi bị kết án về tội buôn bán vắc-xin bất hợp pháp và bị kết án 3 năm tù, được giảm thành 5 năm tù treo. Chưa ai giải thích được việc làm thế nào mà bà này thoát được án phạt tù và tiếp tục buôn bán.

Bàng, cùng với con gái, đã để vắc-xin trong một nhà kho đi thuê của một nhà máy bỏ hoang ở Tế Nam. Kho chứa không có thiết bị bảo quản lạnh, có thể khiến vắc-xin bị hư hỏng.

Nhà kho của Bàng đã bị phát hiện từ tháng 4 năm ngoái (2015) nhưng vụ việc bị giấu kín cho đến khi xuất hiện trên một trang web tin tức ở Sơn Đông hồi tháng 2 năm nay. Tuy nhiên hầu hết người dân Trung Quốc không hay biết về nó cho đến khi một website khác là The Paper công bố bản báo cáo rúng động dư luận một tháng sau đó.

Trung Quốc đã sa thải hoặc giáng chức 357 quan chức chính quyền địa phương vì những yếu kém trong việc xử lý hậu quả của vụ bê bối vắc-xin bẩn.

Cùng với đó, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu thực hiện những biện pháp nhằm thắt chặt giám sát việc bảo quản và phân phối vắc xin.

Tổng cộng đã có 192 trường hợp bị truy tố và 202 người bị bắt giam, và cuộc điều tra trên diện rộng đã chỉ ra 45 ổ nhóm tham gia trong đường dây buôn bán vắc xin bẩn.

Giảm sút niềm tin

Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng chương trình tiêm chủng của Trung Quốc, vụ bê bối diễn ra đã làm xói mòn lòng tin của nhiều bậc phụ huynh nước này vào độ an toàn của vắc xin và sự giám sát của chính phủ.

Song Zhendong, giống như nhiều phụ huynh khác, cho biết ông không muốn mạo hiểm thêm trong việc chủng ngừa cho cậu con trai 10 tháng tuổi của mình.

"Tại sao chúng tôi không được biết về vụ việc này sớm hơn? Nếu có vấn đề với vắc-xin cho con cái chúng tôi, chúng tôi cần được biết ngay khi cảnh sát biết. Chẳng phải trẻ em là tương lai của dân tộc hay sao?"

Nhiều phụ huynh cho biết họ đặc biệt bất bình vì phải gần một năm kể từ khi cảnh sát phát hiện vụ việc công chúng, họ mới được biết về nó.

Đối với nhiều người, việc buông lỏng quản lý đi cùng với che giấu thông tin về những bê bối y tế công cộng có vẻ đã trở thành căn bệnh trầm kha ở nước này.

Trong cuộc khủng hoảng bệnh SARS năm 2003, 349 người đã thiệt mạng trên khắp Trung Quốc và hàng trăm người chết ở những nơi khác sau khi các quan chức che giấu mức độ lây lan của bệnh. Còn trong vụ bê bối được đưa ra ánh sáng vào năm 2008, ít nhất sáu trẻ em đã thiệt mạng và 300.000 trẻ bị sỏi thận và các vấn đề khác do sữa bột bị trộn lẫn melamin, một hóa chất công nghiệp.

Bất chấp những lo ngại này, các vắc-xin “bẩn” nhiều khả năng chỉ không có hiệu quả, chứ không có hại.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết vắc-xin hết hạn hoặc bảo quản kém hiếm khi gây bệnh hoặc phản ứng độc hại. Các cơ quan chức năng của chính phủ Trung Quốc cho biết họ chưa phát hiện thấy bất kỳ trường hợp phản ứng có hại hay gia tăng số ca nhiễm trùng liên quan đến vắc-xin không hiệu quả.

Tuy nhiên, mối nguy hiểm hơn có thể khó nhận thấy hơn. Sự xói mòn niềm tin công chúng có thể phá hỏng chương trình tiêm chủng của Trung Quốc, vốn được khen ngợi vì đã làm giảm đáng kể bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác.

Sau những báo cáo không có cơ sở về các trường hợp tử vong do vắc-xin viêm gan B trong năm 2013, việc tiêm vắc xin này ở 10 tỉnh thành đã giảm 30% trong những ngày sau đó, và các loại vắc-xin bắt buộc khác đã giảm 15%.

Vắc-xin “bẩn” trong vụ bê bối mới đây không nằm trong chương trình tiêm chủng bắt buộc do nhà nước tài trợ của Trung Quốc, bao gồm chủng ngừa miễn phí cho trẻ em chống lại các bệnh như bại liệt và sởi.

Vụ việc liên quan đến cái gọi là vắc-xin “tự túc” - bao gồm vắc xin dại, cúm và viêm gan B - mà bệnh nhân phải tự bỏ tiền túi ra mua.

Những lỗ hổng trong quản lý

Vụ bê bối vắc xin “bẩn” đã phơi bày những bất cập trong việc phân phối vắc xin ở Trung Quốc, bao gồm sự cấu kết chặt chẽ giữa các đầu nậu và cơ sở y tế nhà nước.

Cơ quan điều tra đã phát hiện từ sự cấu kết có từ lâu này, trong đó một số cơ sở y tế nhà nước bán những vắc xin đã hoặc sắp hết hạn với giá rẻ cho các đầu nậu, sau đó những kẻ này bán lại chúng cho các cơ sở y tế khác cũng của nhà nước, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa với nơi công tác giám sát còn nhiều bất cập.

Theo các chuyên gia, hơn 3.000 cơ sở y tế địa phương ở khắp Trung Quốc đang thiếu kinh phí trầm trọng, và nhiều nơi đã dùng cách thu phí đối với những vắc xin tự túc như cúm để bù đắp kinh phí dành cho việc tiêm chủng miễn phí.

Thực trạng này cũng xảy ra tại nhiều bệnh viện của Trung Quốc, hiện phải phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ việc bán thuốc để duy trì hoạt động, đã dẫn đến tình trạng lạm dụng kê đơn thuốc và mất niềm tin vào hệ thống y tế. Vụ việc cũng làm tăng thêm những lo ngại khác về sức khỏe, như an toàn thực phẩm và ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, đất và nước.

Việc giám sát vắc xin tự túc thường kém chặt chẽ hơn so với vắc xin bắt buộc được chính phủ cung cấp miễn phí. Các nhà sản xuất vắc-xin phải bán vắc xin bắt buộc trực tiếp cho cơ quan y tế cấp tỉnh, nhưng có thể bán vắc xin tự túc như cúm, thẳng cho doanh nghiệp hoặc cá nhân.

Chính quyền địa phương đôi khi còn có lợi ích trực tiếp từ các đầu nậu vắc-xin như vậy. Ví dụ, chi nhánh Trung tâm Phòng chống dịch bệnh tỉnh Hà Bắc là nhà đầu tư duy nhất của một trong những đơn vị phân phối hiện đang bị điều tra là Trung tâm Cung ứng sản xuất sinh học Weifang Hà Bắc. Một quan chức của CDC Hà Bắc nói rằng bà không biết vắc-xin của Weifang được quản lý như thế nào trên địa bàn tỉnh. Còn các cuộc gọi đến Weifang thì không có ai trả lời.

Theo GS Zhou Zijun, Trường Y tế công cộng Đại học Bắc Kinh, việc sản xuất vắc-xin được quản lý chặt chẽ, song công tác giám sát phân phối vắc xin còn nhiều kẽ hở.

Những đơn vị phân phối vắc xin được yêu cầu phải có giấy phép và trang thiết bị để bảo quản và vận chuyển lạnh. Nhưng quy định không nói rõ vắc-xin hết hạn cần được xử lý thế nào.

Đối với các cơ sở y tế nhà nước tìm cách kiếm tiền từ các loại vắc-xin tự túc, việc mua vắc xin từ các nguồn chi phí thấp mang lại nhiều ưu đãi.

Một số đầu nậu giả mạo hồ sơ lô hàng, khiến việc giám sát càng khó hơn đối với 500 thanh tra an toàn thuốc ở một đất nước mà hơn 700 triệu liều vắc-xin được tiêm mỗi năm, 95% từ các nhà sản xuất trong nước.

Một ông bố ở Thượng Hải đưa con gái 19 tháng tuổi đi tiêm vắc-xin DPT bắt buộc, cho biết ông không có sự lựa chọn. Nhưng người đàn ông nói rằng ông sẽ chỉ cho con gái của mình tiêm những vắc xin bắt buộc để đi học.

"Chính quyền nói rằng vắc-xin ở Thượng Hải là an toàn, nhưng làm sao tôi biết vắc-xin được làm lạnh trong quá trình vận chuyển"; người đàn ông nói. "Lòng tin của người dân vào chính phủ đang bị xói mòn".

Cẩm Tú

(Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm