Vợ thành “đuốc sống” vì điếu thuốc lá của chồng

(Dân trí) - Đang chiết xăng từ xe gắn máy ra chai, chị Ph. không may bị xăng bắn lên áo. Thấy vợ luống cuống, người chồng chạy lại giúp nhưng anh quên bỏ điếu thuốc lá đang ngậm trên miệng, ngay lập tức toàn thân nạn nhân biến thành ngọn “đuốc sống”.

Tai nạn rất nguy hiểm trên xảy ra với chị Trần Thị Ph. (46 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long). Ngày 3/6, bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM trong tình trạng bỏng rất nặng.

Vợ thành “đuốc sống” vì điếu thuốc lá của chồng - 1

Cơ thể chị Ph. bị bỏng nặng sau khi bị lửa xăng bao trùm

Qua khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình người bệnh được biết, buổi sáng trước khi khi tai nạn xảy ra, chiếc xe gắn máy của người em trong gia đình bị hết xăng. Để xe chạy ra đến điểm đổ xăng, chị Ph. chiết nhiên liệu từ xe của mình chia cho em. Tuy nhiên, trong lúc nghiêng xe thực hiện việc sang chiết, chân chống bị trượt chị phải đưa tay đỡ nên bị xăng bắn lên người.

Thấy vợ có nguy cơ bị xe đè, người chồng đang ở gần chạy lại giúp đỡ nhưng anh quên bỏ điếu thuốc lá đang hút trên miệng. Ngay lập tức, cơ thể chị Ph. bắt lửa, biến thành ngọn đuốc sống. Dù được chồng nhanh chóng hỗ trợ dập lửa nhưng nạn nhân bị bỏng nặng. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ xác định, bệnh nhân bị bỏng 37% độ II; III tập trung ở vùng đầu mặt, thân, 2 tay... Nhờ được chăm sóc, điều trị tích cực bệnh nhân đã qua giai đoạn sốc bỏng, sốc nhiễm trùng, đang được ghép da, che phủ vết thương.

BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng cho hay: “Da là tạng lớn nhất cơ thể, tổn thương do nhiệt gây ra không chỉ đơn thuần là bỏng trên da mà sẽ ảnh hưởng toàn thân bao gồm hệ miễn dich, hệ thần kinh, các cơ quan nội tạng, nhiễm trùng huyết… Nguy hiểm hơn, bỏng lửa xăng thường kèm theo bỏng hô hấp, gây khó khăn cho điều trị, nguy cơ tử vong rất cao”.

Vợ thành “đuốc sống” vì điếu thuốc lá của chồng - 2

Bỏng lửa xăng là tai nạn rất nguy hiểm, cộng đồng cần cảnh giác đề phòng

Bệnh nhân bỏng nếu may mắn qua được cơn nguy kịch thì chi phí nằm viện rất tốn kém tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội. Mặt khác, di chứng do bỏng để lại rất nặng nề, sẹo co rút trên cơ thể không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ khiến bệnh nhân tư ti mà còn hạn chế khả năng vận động gây khó khăn cho lao động, sinh hoạt thường ngày.

Để tránh tai nạn tương tự, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng phải đặc biệt thận trọng khi tiếp xúc, sử dụng những nhiên liệu dễ gây cháy nổ như xăng, cồn, gas… Tuyệt đối không hút thuốc lá khi đang chiết xăng, đổ xăng; không cất trữ xăng dầu trong khu vực nhà bếp; sau khi sử dụng bếp gas cần phải khóa van cẩn thận, nếu có điều kiện cần lắp đặt thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas.

Trường hợp chẳng may bị bỏng, cần dùng nước sạch, mát (không dùng nước đá lạnh) dội trực tiếp, liên tục lên những điểm bị bỏng trên cơ thể trong thời gian khoảng 30 phút; dùng băng gạc mỏng che phủ vết bỏng rồi nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện.

Nạn nhân bị bỏng và người sơ cứu tuyệt đối không được dùng những biện pháp “truyền miệng” về trị bỏng như dùng kem đánh răng, nước mắm, các loại dầu mỡ để bôi lên vị trí da bị tổn thương. Những loại chất trên chẳng những không thể làm giảm tình trạng bỏng mà còn gia tăng nguy cơ bội nhiễm khiến bệnh nhân dễ rơi vào nhiễm trùng, nhiễm độc, gây khó khăn cho việc điều trị.

Vân Sơn