Vỡ ruột vì táo bón

Cách đây ít lâu một bệnh viện đã tiếp nhận phẫu thuật cho một bệnh nhân bị vỡ đại tràng (ruột già) bởi nguyên nhân khá đặc biệt.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bụng căng trướng cứng như gỗ, đau dữ dội. Phẫu thuật ra, thấy ổ bụng chứa đầy phân vón cục, nặng đến 4kg. Bệnh nhân cho biết có tiền căn đau dạ dày, trước khi xảy ra tai nạn, bị táo bón không đi tiêu được nhưng vì ngại nói nên âm thầm chịu trận và hậu quả là bị như vậy.

 

Táo bón là bệnh rất phổ biến trong xã hội nhưng chưa được quan tâm nhiều. Tuy không phải bệnh nguy hiểm dẫn đến chết người nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và làm cầu nối cho nhiều bệnh tình khác phát sinh hoặc trở nên trầm trọng hơn.

 

Vỡ ruột vì táo bón - 1


Làm sao biết bị táo bón?

 

Từ thập niên 90, với sự tiến bộ trong các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, đã phát hiện được một số nguyên nhân thực thể của táo bón và đã đưa ra các phương pháp điều trị bằng thủ thuật và phẫu thuật. Cũng từ mốc thời gian này, các bác sĩ tiêu hoá mới thống nhất được định nghĩa táo bón là gì, sau một hội nghị đồng thuận tổ chức tại Rome. Theo đó, với người lớn, có từ hai hay hơn hai triệu chứng sau: đi cầu rặn gắng sức; phân cục, cứng, lổn nhổn; cảm giác đi không hết phân; cảm giác phân bị kẹt lại ở hậu môn; phải dùng tay trợ giúp hay phải uống thuốc xổ hay thụt tháo; đi cầu ít hơn ba lần trong một tuần. Lưu ý, các triệu chứng này phải xảy ra tối thiểu mười hai tuần (không cần liên tục) trong mười hai tháng và chỉ cần bị một lần trong bốn lần đi cầu. Với trẻ em, tối thiểu hai tuần thấy dấu hiệu: phân cứng như đá cuội trong hầu hết các lần đi cầu; đi cầu ít hơn hai lần trong một tuần.

 

Trong kinh nghiệm thăm khám cho bệnh nhân táo bón, bác sĩ còn nhận thấy bệnh nhân đến khám thể hiện ở ba dạng. Thường nhất là không có cảm giác mắc cầu, số lần đi cầu ít hơn hai lần trong tuần và lúc đi cầu được thì không cần trợ giúp. Dạng thứ hai là đi cầu được mỗi ngày nhưng rất khó khăn, cảm giác mắc cầu nhưng vào nhà cầu thì không đi được, thời gian ngồi trong cầu rất lâu, phải cần trợ giúp như ép bụng, banh rộng hậu môn, dùng tay móc phân, thụt tháo, uống thuốc xổ. Dạng thứ ba là phối hợp cả hai dạng vừa nói.

 

Không chỉ do tắc nghẽn đường ra

 

Năm 2003, tác giả Anthony Lembo làm công trình nghiên cứu dịch tễ học, điều tra nguyên nhân táo bón trên 1.000 bệnh nhân và đã đưa ra những kết quả sau:

 

Táo bón chức năng: chiếm tỷ lệ 59%, là tình trạng táo bón không có tổn thương thực thể trên đại tràng. Nguyên nhân do chế độ ăn uống, sinh hoạt (ăn ít chất xơ, ăn ngọt nhiều, uống ít nước, thói quen đi cầu không đúng giờ và đúng cách, ít vận động thể dục…); thuốc uống (thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật, thuốc điều trị Parkinson, thuốc kháng histamine, thuốc trị cao huyết áp như thuốc ức chế kênh canxi, thuốc giảm đau như morphin, codeine, thuốc bổ sung calci, thuốc điều trị đau bao tử như aluminium, bismuth…) và bệnh toàn thân (tiểu đường, chấn thương cột sống, tai biến mạch máu não,…)

 

Giảm động đại tràng: chiếm tỷ lệ 13%, là tình trạng táo bón có tổn thương thực thể ở đại tràng, làm đại tràng không hoạt động co bóp hay giảm co bóp để đưa phân xuống trực tràng hậu môn như có đoạn đại tràng vô hạch (bệnh Hirschprung), thiếu tế bào trung gian Cajal và một số trường hợp không tìm được nguyên nhân.

 

Hội chứng tắc nghẽn đường ra: chiếm tỷ lệ 25%, là tình trạng phân đã xuống đến bóng trực tràng nhưng do các tổn thương thực thể ở vùng trực tràng ống hậu môn và các cơ vùng sàn chậu, làm phân ứ đọng lại. Các tổn thương đó có thể là sa trực tràng kiểu túi, lồng trực tràng hậu môn, co thắt cơ mu trực tràng, phì đại cơ vòng trong, sa ruột non…

 

Hội chứng tắc nghẽn đường ra, kèm giảm động đại tràng: chiếm tỷ lệ 3%, bệnh nhân có cả hai tổn thương cùng một lúc.

 

Để chẩn đoán đúng nguyên nhân, đầu tiên phải loại trừ táo bón chức năng bằng cách thăm khám bệnh thật kỹ. Sau khi loại trừ, mới dùng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh để tìm nguyên nhân giảm động đại tràng và hội chứng tắc nghẽn đường ra.

 

Tuỳ loại táo bón, có cách chữa riêng

 

Đối với điều trị nguyên nhân giảm động đại tràng, để kích thích đại tràng hoạt động, đầu tiên cần điều trị nội khoa bằng thuốc, với thuốc kích thích thụ thể 5-HT4 (Tegaserod) có thể kích thích đại tràng hoạt động lại bình thường. Nếu điều trị bằng thuốc không cải thiện, các bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp đặt các điện cực vào lòng đại tràng qua nội soi và kích thích các điện cực đó. Ngoài ra, các bác sĩ phẫu thuật còn chọn phương pháp phẫu thuật cắt đoạn đại tràng giảm động. Muốn vậy cần sử dụng phương tiện chẩn đoán chính xác hơn, là Scintigraphic, để đánh giá đoạn ruột bị giảm động.

 

Trường hợp co thắt cơ mu trực tràng, sẽ chích Botulinum Toxin A, dưới hướng dẫn máy đo điện cơ EMG. Sau đó cho tập phản hồi sinh học để cơ mu trực tràng trở lại bình thường. Đối với các nguyên nhân khác của bế tắc đường ra, thường là phải phẫu thuật. Nếu do nguyên nhân lồng trực tràng hậu môn, thường áp dụng phẫu thuật Delorme.

 

Với tiến bộ của khoa học ngày nay người ta có thể chẩn đoán được một số nguyên nhân của táo bón bằng các kỹ thuật mới, từ đó có thể điều trị các nguyên nhân gây táo bón bằng thuốc, thủ thuật hay phẫu thuật một cách hiệu quả.

 

Theo ThS.BS Dương Phước Hưng

SGTT