1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vitamin E: Cẩn trọng khi sử dụng

Theo lời khuyên của BS Nguyễn Hồng Vũ, Phòng Dinh dưỡng cộng đồng, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, việc bổ sung vitamin E chỉ cần thiết cho những người thiếu vitamin E thực sự.

 
Vì vitamin E hiện diện rộng khắp trong các thực phẩm thiên nhiên nên chỉ cần có chế độ ăn đầy đủ, đa dạng và cân đối thì chúng ta đã có thể cung cấp đủ vitamin E cho cơ thể. Để hấp thu tốt nhất, cần có sự hiện diện của chất béo trong khẩu phần ăn.
 

Trong sự tương tác với các chất chống oxy hóa khác, vitamin E bảo vệ vitamin A khỏi bị oxy hoá, giúp vitamin A bền vững nên chúng thường được dùng kết hợp với nhau để cải thiện làn da. Thuốc sắt vô cơ có thể phá huỷ vitamin E. Vitamin E khá ổn định trong quá trình nấu nướng nhưng lại dễ bị phá huỷ dưới ánh sáng mặt trời và oxy trong không khí. Thực phẩm xay, nghiền, trữ đông trong thời gian dài cũng dễ mất vitamin E.

 

Theo lời khuyên của BS Vũ, việc bổ sung vitamin E chỉ cần thiết cho những người thiếu vitamin E thực sự. Đó là trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú, khi tập thể thao, stress, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm (thuốc lá, rượu, thuốc trừ sâu, ánh nắng mặt trời…) hay khi có các nguy cơ bị bệnh tim mạch (do béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn lipid máu…).

 

Tuy nhiên, cần cẩn trọng trong việc bổ dưỡng sung vitamin E do những tác dụng phụ của vitamin E (mệt mỏi, mất ngủ, đau bụng…). Hiện tượng dư thừa vitamin E thường xảy ra khi dùng vitamin E liều cao (>400 đơn vị quốc tế mỗi ngày) trong thời gian dài. Khi đó, cơ thể chúng ta có thể sẽ có một số biểu hiện rối loạn như viêm da, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nhức đầu, mệt mỏi, chảy máu và những triệu chứng khác. Vì thế, tốt nhất phải theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
 

Vitamin E là một trong những chất chống oxy hoá, giúp cơ thể chống lại quá trình lão hoá tự nhiên. Bởi trong quá trình chuyển hoá và tiếp xúc với môi trường (ánh nắng mặt trời, khói bụi, khói thuốc lá…), cơ thể chúng ta sản sinh ra những gốc tự do.

 

Những gốc tự do này sẽ tấn công vào các tế bào, phá huỷ màng tế bào, làm hư hại bộ máy di truyền trong nhân tế bào, gây xáo trộn chức năng sinh lý của các bộ phận, gây ra nhiều bệnh mãn tính (bệnh tim mạch, ung thư, thoái hoá thần kinh, alzheimer…) đẩy nhanh quá trình lão hoá, nhất là ở da.

 

Cùng với các chất chống oxy hoá khác như vitamine C, betacaroten, selen, vitamin E còn có tác dụng giúp bảo vệ màng tế bào, bảo vệ cấu trúc chất béo.

 

Vitamine E nguồn gốc thiên nhiên: Được chiết xuất từ dầu thực vật (dầu mầm lúa mì, dầu hướng dương, dầu đậu phộng, dầu ôliu, dầu đậu nành…), các loại hạt nhiều dầu (hạt hướng dương, hạt điều, hạt dẻ…) các loại đậu, hạt ngũ cốc, khoai lang, quả bơ, cà chua, cà rốt, rau lá màu xanh, giá sống, măng tây, hành tây, thịt bò, gan bò, thịt gà, cá, hải sản, trứng, sữa dê. Ngoài ra, vitamin E còn có trong sữa mẹ, đặc biệt là sữa non.

Vitamin E dạng tổng hợp: Được bào chế từ công nghệ hoá học, dưới dạng viên thuốc uống, mỡ tra, kem bôi…

 

Theo Nguyễn Cẩm
Phụ nữ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm