1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vịt chạy đồng là nguy cơ và mầm mống bùng phát dịch cúm gia cầm

(Dân trí) - Đó là nhận định của các đại biểu tại hội nghị Các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm khu vực ĐBSCL được tổ chức sáng 3/3 tại TP Cần Thơ do Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn chủ trì.

Theo báo cáo của Cục Thú y, đến thời điểm này ĐBSCL đã có hai tỉnh có dịch cúm gia cầm là Cà Mau và Sóc Trăng. Hiện tại hai địa phương này đã có 29 ổ dịch. Cụ thể tại Cà Mau từ đầu tháng 12/2009 đến nay, đã xuất hiện thêm 25 ổ dịch tại 10 xã, phường, thị trấn của các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh và TP Cà Mau.

 

Ổ dịch gần đây nhất xảy ra ngày 23/2 với 62 con vịt, tại xã Nguyễn Phích, huyện U Minh và 125 con vịt tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời. Từ thời điểm đó đến nay Cà Mau đã thiêu huỷ 9.126 con gà, vịt, ngan. Còn tại Sóc Trăng từ ngày 18/1 đến nay xuất hiện bốn ổ dịch tại xã Thạnh Qưới, Thạnh Qưới Thuận, (Mỹ Xuyên), Đại Hải (Kế Sách), với tổng số gia cầm chết và tiêu huỷ là 2.449 con gà, vịt.

 

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần: dịch cúm gia cầm ở ĐBSCL không nhiều nhưng nguy cơ lây lan đáng báo động. Đó là do các tỉnh ĐBSCL đang vào thời điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân, nhiều người chăn nuôi chuẩn bị thả vịt chạy đồng để tận dụng lúa rơi vãi và sẽ toả đi khắp nơi. Trong khi đó các ổ dịch ở hai địa phương này đều từ đàn vịt chạy đồng, sau đó lây sang gà.

 

Thứ trưởng Diệp Kỉn Tần cũng cho biết: Bộ NNPTNT sẽ ưu tiên bố trí đầy đủ vắc xin cho ĐBSCL trước tiên. Đồng thời các tỉnh rà soát lại số lượng gia cầm tiến hành tiêm phòng đợt một ngay trong tháng 3 này và tăng cường tiêm phòng bổ sung hàng tháng.

 

Các địa phương phải kiểm soát thật chặt vịt chạy đồng, thống kê tổng đàn theo từng địa phương, bắt buộc tiêm phòng, phải tiêm phòng bổ sung hàng tháng và đảm bảo phải từ 80% thì sẽ kiểm soát được cúm gia cầm. Vịt chạy đồng là nguy cơ lây lan và bùng phát dịch cúm gia cầm. Vì vậy khuyến cáo người chăn nuôi trong vùng dịch không chăn thả vịt.

 

Phạm Tâm