Việt Nam tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19: Chuột khỏe mạnh sau 10 ngày

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã “cài” được kháng nguyên virus SARS-CoV-2 vào vắc xin, tiêm thử nghiệm vắc xin trên chuột để theo dõi tính sinh miễn dịch. Sau 10 ngày, 50 con chuột thí nghiệm khỏe mạnh.

TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Bộ Y tế, đơn vị đang phát triển vắc xin Covid-19 cho biết, đến nay đã 10 ngày vắc xin được tiêm thử nghiệm trên chuột. Kết quả cho thấy, chuột thí nghiệm khỏe mạnh, tiếp tục được theo dõi đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Có thể nói đây là thành công bước đầu của nghiên cứu. 

Dự kiến, chuột có thể được đánh giá theo từng đợt. Có thể sau 14-15 ngày, các chuyên gia sẽ lấy máu lần đầu, sau đó khoảng 28 ngày lấy máu lần 2.

Việt Nam tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19: Chuột khỏe mạnh sau 10 ngày - 1

Chuột được tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 made in Việt Nam. Ảnh: BSCC. 

Theo TS Đạt, chúng cần được theo dõi đáp ứng miễn dịch ở từng thời điểm. Quá trình này phải theo dõi theo từng ngày, để xem đáp ứng miễn dịch đến sớm hay muộn. 

Các mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá về tính đáp ứng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2. Nếu đáp ứng miễn dịch tốt tức là tính kháng nguyên của chủng vắc xin hoạt động tốt. 

Đây là giai đoạn quan trọng của nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19 tại Việt Nam. 

Sau đó, vắc xin phòng Covid-19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất, định liều, thử nghiệm chính thức trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính đáp ứng miễn dịch cũng như khả năng bảo vệ của dự tuyển vắc xin này. Cuối cùng là thử nghiệm trên người ở nhóm nhỏ và nhóm lớn.

Công ty VABIOTECH hợp tác cùng Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus.

Đối với phát triển vắc xin có nhiều lựa chọn khác nhau, trong đó công nghệ vector virus là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc xin đại dịch.  

Theo TS Đạt, vector virus là hệ thống được cài đặt một hoặc nhiều vùng gene mã hóa vùng kháng nguyên mong muốn. Khi tiêm chủng, kháng nguyên protein sẽ được biểu hiện tương tác với vật chủ để tạo ra đáp ứng miễn dịch phòng tác nhân đích gây bệnh.

Các nhà khoa học Việt Nam đã “cài” được kháng nguyên virus SARS-CoV-2 vào văcxin, tiến hành tiêm thử nghiệm vắc xin trên chuột để theo dõi tính sinh miễn dịch. Công nghệ vector virus tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau sẽ nhanh hơn, giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vắc xin.

Theo TS Đạt, nhanh nhất cũng phải 8-9 tháng nữa mới có được ứng viên vắc xin để thành một vắc xin hoàn chỉnh để thử nghiệm trên động vật trước rồi mới thử nghiệm sang người.

Tại Việt Nam, hiện có 4 đơn vị nghiên cứu vắc xin phòng chống Covid-19. Trên thế giới có khoảng 100 nhà phát triển và sản xuất đang cùng nghiên cứu phát triển vắc xin ở giai đoạn thử nghiệm trên động vật tương tự Việt Nam. Có 8 nơi đã thử nghiệm lâm sàng trên người. Việt Nam đang theo dõi kết quả thử nghiệm của 8 nhà sản xuất này, nếu đạt hiệu quả và độ an toàn, các nhà nghiên cứu cũng xem xét để tiến hành bước đi tương tự.

Đến sáng 7/5, Việt Nam ghi nhận 271 trường hợp mắc Covid-19. Diễn biến dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, căng thẳng mỗi ngày xuất hiện hàng chục ngàn ca nhiễm mới, hàng nghìn người chết. Ở trong nước, nguy cơ dịch bệnh tại cộng đồng đã giảm. 

Nam Phương