Việt Nam nâng cao mức độ ứng phó với dịch Ebola
(Dân trí) - Trước diễn biến dịch Ebola tăng lên chóng mặt, nguy cơ đe dọa Việt Nam, ngày 19/10 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kiểm tra đột xuất công tác đáp ứng điều trị khi có ca bệnh Ebola tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Việt Nam sẵn sàng ứng phó với dịch Ebola. Ảnh: H.N
Vi rút Ebola biến đổi về độc lực?
Những ngày qua bệnh Ebola tăng nhanh chóng cả về số ca mắc và số ca tử vong tại các nước Tây Phi và gần đây có các nhiễm bệnh ở Tây Ban Nha, ở Mỹ khiến nhiều “tin đồn” được thổi phồng, cho rằng vi rút Ebola biến đổi về độc lực, về đường lây truyền. Trả lời trước những nghi vấn này, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế tham gia buổi làm việc cho biết các nghiên cứu mới nhất cho thấy vi rút Ebola chưa có biến đổi gene và độc lực, cũng như chưa có cơ sở khoa học, chưa có bằng chứng rõ ràng về việc thay đổi đường lây truyền của vi rút Ebola.
“Đường lây vi rút Ebola vẫn là qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết, tuy nhiên chuyên gia này cũng lưu ý nếu người bệnh nôn, ho, hắt hơi với chất tiết có nồng độ vi rút cao mà người tiếp xúc lại có những trầy xước trên da hoặc niêm mạc tổn thương thì cũng có thể bị vi rút xâm nhập”, Đại diện WHO cho biết.
Đến nay, WHO đã ra thông báo Senegal được công nhận là quốc gia chấm dứt dịch bệnh Ebola, nếu ngày 20/10, Nigeria vẫn không có ca nhiễm mới thì Nigeria sẽ là quốc gia thứ 2 được WHO công nhận chấm dứt dịch bệnh Ebola. Việc chấm dứt dịch bệnh ở 02 quốc gia trên có ý nghĩa quan trọng cho thấy những nỗ lực phòng, chống virut Ebola đã có hiệu quả, những bài học kinh nghiệm về chấm dứt dịch bệnh Ebola của 2 quốc gia trên sẽ được WHO áp dụng và phổ biến cho các quốc gia trên Thế giới.
Việt Nam nâng cấp độ ứng phó với dịch Ebola
PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương, vừa qua BV này đã tiếp nhận 2 bệnh nhân nghi ngờ có liên quan đến bệnh Ebola. Đó là bệnh nhân nam 26 tuổi ở Hà Nội bị sốt sau khi tiếp xúc với 1 người Nigeria. Bệnh nhân này sau đó được chẩn đoán sốt vi rút. Bệnh nhân thứ 2 là một nam giới 22 tuổi, quốc tịch Nigeria là sinh viên ĐH FPT, nhập viện do sốt. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi. Cả hai bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện.
Trước nguy cơ dịch Ebola xâm nhập, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly, khu vực khử khuẩn, các đội điều trị và cấp cứu ngoại viện. Hiện tại BV đã có phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 2 đủ năng lực xét nghiệm Ebola.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết trong những ngày vừa qua dịch bệnh Ebola vẫn diễn biến phức tạp. Việc 3 y tá đang làm việc trong các cơ sở y tế của Tây Ban Nha và Mỹ bị nhiễm vi rút Ebola khi chăm sóc người bệnh là một sự cố về y tế công cộng, buộc tất cả các quốc gia trên thế giới phải xem xét, kiểm tra và rà soát lại các biện pháp phòng, chống lây nhiễm viruts Ebola để rút ra các bài học kinh nghiệm.
Vì thế, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế cần nâng cao mức độ cảnh giác và mức độ đáp ứng cao hơn nữa đối với dịch bệnh Ebola. Thành lập 4 đội phản ứng nhanh ở cấp quốc gia, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các quận, huyện sẽ thành lập một đội phản ứng nhanh trên cơ sở kiện toàn lại đội phòng, chống dịch bệnh đã có tại địa phương để tăng cường khả năng ứng phó.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo các BV được phân công tiếp nhận khi có ca bệnh Ebola ngay trong tuần tới phải nâng mức cảnh giác với bệnh trước tình hình nguy cấp hiện nay. Ông Long yêu cầu ngay trong tuần tới các BV phải thực hiện diễn tập tình huống tiếp nhận ca bệnh Ebola, bao gồm các quy trình về chống nhiễm khuẩn, cách ly, điều trị và mở rộng vùng cách ly, thiết lập BV dã chiến trong tình huống có đông bệnh nhân.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chỉ đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh kiểm tra, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc rà soát lại kế hoạch phòng, chống dịch do vi rút Ebola và tiếp tục tập huấn cập nhật những kiến thức, những kinh nghiệm của thế giới để tăng cường cho các cán bộ y tế các hướng dẫn, chẩn đoán bệnh do vi rút Ebola đã được Bộ Y tế ban hành.
Ngay trong tuần này Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức diễn tập quy mô tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và bệnh viện được giao nhiệm vụ ở miền Trung, miền Nam, xây dựng kế hoạch diễn tập với các tình huống giả định cụ thể, lên phương án nhân lực để khám sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, cách ly, kiểm soát, phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, có phương án mở rộng vùng cách ly khi dịch lan rộng.
Còn tại các BV phải chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly để tiếp nhận, cách ly và điều trị hỗ trợ người bệnh nghi ngờ, chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất diệt khuẩn, đặc biệt là phương tiện phòng hộ cá nhân để phục vụ tốt việc thu dung, cách ly, điều trị các ca bệnh nghi người và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Hồng Hải