1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam: Gần 200.000 người mắc ung thư mỗi năm

(Dân trí) - Tỷ lệ ung thư ngày càng tăng cao cùng với xu hướng công nghiệp hoá ô nhiễm môi trường và thói quen ăn uống. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ chuyên ngành ung thư Đặng Văn Chính (ảnh) - Giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn về nguyên nhân và cách phòng tránh căn bệnh nan y này.

Do thuốc lá và ăn uống bừa bãi

 

Thưa bác sĩ, vì sao bệnh ung thư có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam? Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

 

Những ghi nhận mới nhất gần đây cho thấy, có khoảng 50- 70.000 người mỗi năm tại Việt Nam chết vì ung thư.

 

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WTO), hàng năm trên thế giới có khoảng 10 triệu người mắc ung thư và sẽ có khoảng một nửa trong số đó chết do căn bệnh này. Dự báo trong 25 năm tới sẽ tăng lên 300 triệu người mắc mới và 200 triệu người chết mỗi năm. Xu hướng bệnh ung thư tăng lên không riêng ở quốc gia nào mà phân bố trên toàn cầu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, số bệnh nhân mắc ung thư sẽ tập chung chủ yếu ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

 

Bệnh thường gặp ở lứa tuổi nào ở Việt Nam? Ăn uống và môi trường có vai trò thế nào đối với căn bệnh này?

 

Tại Việt Nam, bệnh ung thư có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tuỳ từng loại bệnh cụ thể mà hay gặp ở độ tuổi nào đó. Thông thường, ở lứa tuổi trẻ em hay gặp các loại bệnh bạch cầu cấp, ung thư nguyên bào võng mạc, ung thư nguyên bào thần kinh, sarcome phần mềm. Ở lứa tuổi thiếu niên thường gặp ung thư xương dài.

 

Các ung thư phổi, gan, dạ dày, đại trực tràng thì hay gặp ở độ tuổi 40 - 60.

 

Môi trường và thói quen ăn uống  không tốt có vai trò rất lớn trong quá trình mắc bệnh. Cụ thể là người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao hơn người không hút thuốc lá gấp 14 lần, đáng chú ý là những người không trực tiếp hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc (hút thuốc thụ động), cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi như người hút thuốc lá trực tiếp.

 

Trong ăn uống hàng ngày, nếu ăn gạo mốc, lạc mốc rất dễ dẫn đến ung thư gan. Một số người khi muối dưa, cà bị khú thường tiếc rẻ để lại ăn cố mà không biết rằng đang đưa vào cơ thể mầm gây bệnh ung thư vòm họng.

 

Các món nướng và những thức ăn bị tẩm ướp hoá chất độc hại cũng là nguyên nhân gây ung thư.

 

Hoàn toàn có thể phòng tránh bệnh

 

Mất bao nhiêu thời gian từ khi cơ thể có tế bào ung thư phát triển đến khi phát hiện trên lâm sàng, thưa bác sĩ?

 

Một tế bào ung thư ban đầu phát triển cho đến khi gây ra bệnh ung thư mà các bác sĩ phát hiện được trên lâm sàng cũng mất thời gian khá dài. Ví dụ: với bệnh ung thư vú thời gian ủ bệnh và phát triển có thể kéo dài tới 8 năm, để từ một tế bào ung thư ban đầu phát triển thành một khối u có đường kính 1cm. Một số bệnh ung thư do nhiễm khuẩn mãn tính gây ra như ung thư gan do viêm gan mãn tính bởi siêu vi trùng viêm gan B có thể dẫn tới ung thư gan, nhưng phải mất tới 30 năm.

 

Có thể phát hiện ra ung thư sớm? và bằng cách nào?

 

Trong chiến lược phòng chống ung thư thì phát hiện sớm bệnh ung thư đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều bệnh ung thư đã có các phương pháp phát hiện  sớm, như phát hiện ung thư vú bằng cách tự khám (kiểm tra khối u lạ ở ngực) và các chương trình sàng lọc y tế. Phát hiện sớm ung thư tử cung bằng xét nghiệm tế bào (phương pháp papanicolaou). Khi bỗng nhiên bạn có dấu hiệu đau, sốt, ho... bất thường mà điều trị bằng các phương pháp thông thường không khỏi, thì nên đến các cơ sở chuyên khoa kiểm tra để phát hiện ung thư sớm nhất có thể.

 

Phải làm gì để giảm nguy cơ mắc bệnh?

 

Để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư thì trước tiên phải tạo môi trường sống tốt, không có thuốc lá và các yếu tố gây ung thư. Cần giải quyết các yếu tố ô nhiễm môi trường như rác thải quanh nơi ở, đảm bảo nước uống không bị nhiễm bẩn. Vấn đề phòng chống các bệnh nhiễm trùng bằng cách tiêm vacxin phòng viêm gan do siêu virut B rất quan trọng. Điều không thể thiếu để phòng tránh bệnh ung thư là cân bằng chế độ dinh dưỡng trong ăn uống, đặc biệt tránh xa các loại thực phẩm đã bị mốc, ôi, khú.

 

Ngoài việc rèn luyện sức khoẻ, nữ giới, nên tích cực tham gia các chương trình sàng lọc, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư tử cung và các loại ung thư khác vì khi được phát hiện sớm, khả năng chữa được bệnh sẽ rất lớn.

 

Xin cảm ơn bác sĩ!

 

Thanh Trầm (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm