Việt Nam đứng tốp 2 thế giới về ung thư

(Dân trí) - Trên bản đồ ung thư thế giới, tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam đứng thứ 78/172 quốc gia, nằm trong các nước thuộc tốp 2. Cùng với đó việc phát hiện muộn đã khiến cho việc điều trị cho bệnh nhân ung thư tại Việt Nam kém hiệu quả, tỉ lệ tử vong cao, với hơn 200 người mỗi ngày.

Tỉ lệ ung thư gia tăng

Tại Hội thảo quốc gia phòng chống ung thư diễn ra sáng 6/10 tại Hà Nội, GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, tỉ lệ mắc ung thư tăng không riêng gì ở Việt Nam mà đều có xu hướng gia tăng ở phần lớn các nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, thống kê cho thấy các ca mắc ung thư ngày càng có xu hướng tăng lên. Từ con số 68.000 ca mắc ung thư năm năm 2000 đã tăng lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020.


Một ca phẫu thuật cắt ung thư đại tràng cho bệnh nhân.

Một ca phẫu thuật cắt ung thư đại tràng cho bệnh nhân.

Với riêng ung thư phổi, tỉ lệ mắc cũng tăng lên. Ví dụ ung thư phổi năm 2000 là 29,3/100.000 sau 10 năm tăng lên tới 35,1/100.000 dân. Tương tự các bệnh ung thư đại trực tràng, năm 2000 tỉ lệ mắc 11,4/100.000 đến 2020 tăng vọt lên 19/100.000. Các loại ung thư tuyến tiền liệt, thực quản… đều có xu hướng tăng nhanh ở nam giới.

GS Hùng cho biết, ung thư phổi ở đàn ông Việt chỉ tương đương các nước trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, ung thư phổi ở nữ đáng báo động, bằng gần 2/5 nam giới do hút thuốc lá bị động.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K Trung ương cũng bày tỏ đặc biệt lo ngại về căn bệnh ung thư phổi. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc ung thư phổi ở nam giới xếp tốp đầu do nhiều người hút thuốc lá với 85% ca bệnh liên quan đến thuốc lá. Trong khi ở Mỹ, ung thư phổi xếp thứ 10.

Với những con số này, Việt Nam lọt vào 50 nước thuộc tốp 2 của bản đồ ung thư, với vị trí là 78/172 quốc gia.

Tỉ lệ chữa khỏi thấp

Theo TS Thuấn, việc phát hiện ung thư khi ở giai đoạn muộn là một trong những lý do chủ yếu khiến tỉ lệ tử vong do căn bệnh này ở Việt Nam tăng cao.

Nghiên cứu của viện K Trung ương cho thấy có đến 71,4% bệnh nhân ung thư đến viện khi đã ở giai đoạn 3 trở lên, khiến việc điều trị khó khăn, tốn kém và giảm hẳn hiệu quả.

“Có nhiều loại ung thư phổ biến nhưng tỉ lệ phát hiện sớm cũng rất thấp. Như với ung thư vú có tỉ lệ phát hiện sớm nhiều nhất, với 50% ca bệnh ở giai đoạn sớm. Các bệnh còn lại như ung thư đại trực tràng khoảng 32% phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung phát hiện sớm khoảng 46% ca bệnh… Một số ung thư tỉ lệ phát hiện muộn như ung thư gan chiếm tới 87,8%, ung thư dạ dày 86,9%, phế quản phổi 84,3%, vòm họng 80%, thực quản 71%, tuyến giáp gần 70%”, TS Thuấn dẫn chứng.

Vì thế, dù những kỹ thuật điều trị ung thư tại Việt Nam không thua kém gì các nước nhưng tỉ lệ chữa khỏi (sống trên 5 năm) ở nam giới chỉ đạt 33%, ở nữ khoảng 40%, trong khi nhiều nước phát triển con số này đã lên tới 70-80%”.

“Ung thư không phải là dấu chấm hết, nhưng với điều kiện là phát hiện sớm. Vì thế, khuyến khích người dân có chế độ ăn uống lành mạnh, thể dục thể thao hợp lý và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ ung thư và được chữa trị. Con số 70 - 80% bệnh nhân ung thư ở các nước được chữa khỏi cho thấy, nếu phát hiện sớm, ung thư sẽ không là cửa tử”, GS Hùng nói.

Thống kê tại Việt Nam năm 2012 cho thấy tổng gánh nặng kinh tế của 6 bệnh ung thư là 25.789 tỷ, chiếm 0,22% GDP năm này. Cụ thể, ung thư vú “ngốn” hết hơn 9.000 tỷ, ung thư đại trực tràng tiêu tốn 8.573 tỷ, ung thư dạ dày là 5.667 tỷ. Tiếp đến là các loại ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ưng thư khoang miệng… với tổng chi phí cho 6 căn bệnh này lên đến 25.789 tỷ đồng.

Hồng Hải