1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng

(Dân trí) - Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2009 - 2010 cho thấy, suy dinh dưỡng thấp còi và suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đều giảm nhưng vẫn ở mức cao so với thế giới. Còn tình trạng béo phì cả trẻ em và người lớn đều tăng nhanh.

Béo phì đáng lo như thấp còi, nhẹ cân

Tại Lễ công bố Tổng điều tra dinh dưỡng 2009 - 2010 diễn ra sáng nay (4/4) tại Hà Nội, TS Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng cho biết: “Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm mạnh. Tính chung trong cả nước mỗi năm trung bình giảm khoảng 1,5%, xuống còn 17,5% vào năm 2010, tập trung ở Tây Nguyên, vùng núi và cao nguyên phía Bắc…
 
Việt Nam đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng

Đồ thị trẻ 5-19 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thừa cân, thấp còi, gầy còm năm 2010

Sau 10 năm, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng đã giảm 14% (xuống còn 29,3%) năm 2010 nhưng vẫn nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, tình trạng béo phì lại vượt 0,6% so với chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2010, trong đó tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi ở thành phố lên tới 6,5% (cao hơn mức trung bình 1,5%). Trong đó, tỷ lệ bệnh béo phì là 2,8%.

“Có thể nói Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm nhưng vẫn ở mức cao, trong khi tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh nạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng”, TS Tuyên nói.

PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: “Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì gần như tương đương với suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân, đó là một điều rất đáng báo động. Suy dinh dưỡng hay béo phì đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể trạng của trẻ, nhưng với béo phì, hệ lụy về bệnh tật kéo theo rất nhiều về sau này”.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, năng lượng khẩu phần ăn của trẻ từ 2 - 4 tuổi mới chỉ đạt 95% so với nhu cầu khuyến nghị. Mức đáp ứng nhu cầu sắt là 70% và vitamin A chỉ đạt 65%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thiếu máu và thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi toàn quốc vẫn ở mức cao, gần 30%. Tỷ lệ thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ mang thai trên toàn quốc cũng còn rất cao, cứ 3 phụ nữ có 1 người bị thiếu.

“Không mang thức ăn tới mà chỉ cho người dân cách ăn”
 

Việt Nam đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, kết quả tổng điều tra dinh dưỡng này rất có ý nghĩa trong việc đánh giá, đưa ra chiến lược, giải pháp dinh dưỡng cụ thể cho mỗi vùng miền. Ở thành thị, nơi mà tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng tăng nhanh thì phải có chiến lược dinh dưỡng riêng so với vùng núi, trung du khi mà tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân là phổ biến.

“Ví như ở thành thị, dinh dưỡng lúc này cần tập trung chỉ ra cho người dân biết những loại thức ăn nào có nguy cơ gây béo phì, rối loạn chuyển hóa. Với những thức ăn có nguy cơ gây ra các bệnh về chuyển hóa sau này thì hạn chế ăn. Còn với trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng, để tăng cường dinh dưỡng cho nhóm này, không phải là ngành y tế mang cá, thịt đến hộ gia đình. Mà quan trọng nhất là giúp dân biết thế nào là một bữa ăn hợp lý, cần bao nhiêu gạo, bao nhiêu rau xanh, bao nhiêu gram cua đồng… trong một bữa ăn. Quan trọng nhất không phải mang thức ăn tới, mà là chỉ cho người dân cách ăn.
 
Chúng tôi kiến nghị với lứa tuổi học sinh, nên đưa nội dung dinh dưỡng hợp lý vào chương trình học với một thời lượng phù hợp. Không đưa được vào chính khóa thì đưa vào ngoại khóa. Trẻ hiểu trực tiếp về dinh dưỡng, những thức ăn nguy cơ, thức ăn có lợi sẽ giúp trẻ hơn rất nhiều”, Thứ trưởng Tiến nói.

Riêng với những vùng khó khăn, trẻ bị suy dinh dưỡng bởi không có cá, thịt, xuất ăn trưa tại trường của các em chỉ có muối, ớt để ăn với cơm, TS Tiến cho rằng, kết quả tổng điều tra lần này đã gom lại được đâu là những vùng nghèo nhất để kiến nghị nhà nước hỗ trợ. Ngoài ra, các địa phương cũng có thể kêu gọi xã hội hóa để giúp các em nhỏ vùng nghèo khó này có được xuất ăn đầy đủ dinh dưỡng, giúp phát triển thể lực tốt, bởi thể lực của các em mang yếu tố quyết định đến thể lực giống nòi sau này.

Mục tiêu chung mà chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là đến năm 2020 tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân giảm mạnh, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực của người Việt Nam. Kiểm soát hiệu quả tình trạng thừa cân, béo phì; Đảm bảo bữa ăn người dân được cải thiện số lượng, cân đối về chất lượng; Cải thiện tình trnajg dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; Cải thiện tình trạng thiếu dinh dưỡng…
 

Chiều cao người Việt tăng thêm 4cm

 

TS Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, trải qua 35 năm, chiều cao trung bình của người việt chỉ tăng thêm 4cm. Chiều cao trung bình của người Việt trưởng thành năm 2010 cao hơn so với năm 1975 khoảng 4cm. Người Việt trưởng thành cũng có cân nặng tăng hơn 8kg so với thời điểm năm 1975.

 

Chiều cao đạt được hiện nay đã đến sớm hơn so với trước đây ở độ tuổi từ 20 - 24 cho cả nam và nữ thanh niên (năm 2000 chiều cao đạt được cao nhất trong độ tuổi từ 26 – 29). Chiều cao người thành thị cao hơn người nông thôn. Người ở gia đình có mức sống cao hơn cũng đạt chiều cao tốt hơn.

 

Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở người trưởng thành đã giảm tới 20%, nhưng tình trạng thừa cân, béo phì lại tăng lên, đặc biệt ở nhóm 50 - 60 tuổi.Tỷ lệ thừa cân béo phì chung ở người 20 tuổi trở lên là 5,6%

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm