Việt Nam đạt mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em

(Dân trí) - Việt Nam là một trong 10 quốc gia đang trong đúng lộ trình thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 4 (giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 và dưới 5 tuổi) và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (Giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ).

Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em

Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới đang trong đúng lộ trình thực hiện thành công - Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi.
 
Thông tin trên được GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam ,báo cáo tại Hội nghị Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần thứ 65 diễn ra từ ngày 3-17/10/2014 tại Manila, Philippines.

Tại hội nghị, Việt Nam chia sẻ một số thành công nổi bật mà Việt Nam đạt được trong năm qua như: Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong 10 quốc gia đang trong đúng lộ trình thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 4 (giảm tỷ lệ tử vong mẹ) và số 5 (giảm tỷ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi) (Báo cáo của Diễn đàn Nhóm đối tác về sức khỏe phụ nữ và trẻ em tại Nam Phi, 6/2014).

Cụ thể trong 20 năm qua, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh tại Việt Nam có chiều hướng giảm. Tỷ lệ phụ nữ mang thai tử vong đã giảm từ 233/100.000 ca vào năm 1990 xuống còn 61,9/100.000 ca vào năm 2013 (giảm xuống hơn ba lần) và tỷ lệ trẻ dưới năm tuổi tử vong giảm từ 59/1.000 trẻ xuống còn 23/1.000 trẻ (giảm hơn hai lần). Số trẻ dưới một tuổi giảm tỷ lệ tử vong từ 44,4/1.000 trẻ xuống còn 15,3/1.000 trẻ. Ngoài ra, số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cũng giảm từ 41% xuống còn 15,3%.

Việt Nam cũng đã thông qua Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi vào tháng 6/2014 với một số điểm mới như quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, mở rộng quyền lợi bảo hiểm và mức thưởng, phân tuyến khám chữa bệnh. Đây được được coi như một trong những cột mốc đánh dấu quá trình hướng đến bao phủ y tế toàn dân ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đạt được các năng lực tối thiểu theo yêu cầu của Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR), trên cơ sở áp dụng Chiến lược Châu Á Thái Bình Dương về phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Tổ chức Y tế Thế giới (APSED).

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam cũng bày tỏ sự đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đã đạt được của Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia thời gian qua trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân, như: mở rộng bao phủ y tế toàn dân, thực hiện tốt các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế, áp dụng hiệu quả Chiến lược Châu Á Thái Bình Dương phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi, phát huy hiệu quả các hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới cho các quốc gia (đặc biệt trong việc tư vấn hỗ trợ xây dựng chính sách cho các quốc gia), phòng chống hiệu quả các thiên tai thảm họa, đặc biệt trong cơn bão Hayan năm 2013-một trong những siêu bão nhiệt đới lớn nhất kể từ năm 1951.

Hội nghị Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là hội nghị quan trọng nhất về y tế trong khu vực, diễn ra hàng năm với sự tham dự của 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Mục tiêu của Hội nghị nhằm đưa ra các chính sách y tế lớn của khu vực. Thông qua đó, các chương trình, dự án cũng như ngân sách hoạt động của Tổ chức Y tế Thế giới được triển khai nhằm hỗ trợ các quốc gia chăm sóc sức khỏe cho 1,8 tỷ người dân trong khu vực.

Tú Anh