Việt Nam đang "nặng gánh" suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em
(Dân trí) - Sự nghèo đói là nguyên nhân chính khiến trẻ em đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi. Các tỉnh miền núi, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên hiện có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi rất cao.
Tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng của trẻ em được xem là một trong những vấn đề đáng lo ngại đối với sự phát triển của con người trên toàn cầu. Việt Nam hiện vẫn thuộc nhóm những quốc gia đang phát triển và phải đương đầu với tỷ lệ trẻ em thấp còi khá cao. Theo số liệu thống kê của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia Việt Nam, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 5 tuổi năm 2018 là 23,2%, trung bình cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Tại Hội thảo khai mạc dự án Happy Việt Nam với mục tiêu giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng, chung tay đẩy lùi căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em diễn ra ở TPHCM (ngày 17/1). GS.TS. BS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam chia sẻ, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em năm 1990 hướng tới mục tiêu mọi trẻ em đều khỏe mạnh, an toàn, được giáo dục và trao quyền để phát triển tối đa tiềm năng của mình.
Mặc dù đạt được các thành tựu đáng ghi nhận trong thời gian qua nhưng Việt Nam vẫn phải đương đầu với tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi còn ở mức cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng ở cộng đồng, trường học hay bệnh viện còn thiếu về số lượng và chất lượng. Tại gia đình, nhiều phụ huynh còn thiếu kiến thức, thực hành dinh dưỡng. Đặc biệt, vấn đề này chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Khoảng cách lớn giữa khu vực thành phố và nông thôn, đặc biệt, ở các vùng sâu vùng xa, miền núi, vùng khó khăn về tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ. Khu vực có tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi chiếm tỷ lệ cao nhất đang rơi vào các tỉnh Tây Nguyên do sự khó khăn về mặt kinh tế và trình độ dân trí còn thấp.
Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi ở Tây Nguyên đang dẫn đầu cả nước với 32,7% kế đến là khu vực miền núi phía Bắc với 28,4%, miền Trung là 25,4%. Đây là những con số đáng báo động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ, gây ra những hệ quả nghiêm trọng khiến trẻ rất dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp và đường ruột. Nguy hiểm hơn, tất cả các cơ quan của trẻ đều giảm phát triển như hệ cơ xương, ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao và tầm vóc của trẻ.
Qua báo cáo của Tổ chức UNICEF tại Việt Nam, sự thiếu hụt về sức khỏe và dinh dưỡng cũng khiến 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, để lại tổn thương não và thể chất vĩnh viễn. Tỷ lệ thấp còi ở mức cao so với các quốc gia trong khu vực dẫn đến những bất lợi cho Việt Nam, bao gồm: khó khăn trong học tập của trẻ, thu nhập người dân thấp, sự tham gia của cộng đồng hạn chế và năng suất cũng như tăng trưởng chung của đất nước bị cản trở.
Theo GS Hữu Dàng, quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn, dù nhanh hay chậm thì giai đoạn tăng trưởng nào cũng quan trọng. Thông thường, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Nếu chiều cao của trẻ tăng chậm hơn 4 đến 6cm/năm hoặc chiều cao của trẻ luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi (theo biểu đồ theo dõi chiều cao) nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân.
Với mong muốn chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng, góp phần phát triển thể lực, tầm vóc người Việt, Hội nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam phối hợp với Tổ chức Phi chính phủ (ASSIST) cùng các nhà tài trợ triển khai Dự án Happy Việt Nam. Dự án được thiết lập với các hoạt động giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc chuẩn bị tốt, nhận biết sớm và điều trị đúng cách khi trẻ có các biểu hiện của căn bệnh này.
Dự án được triển khai trong vòng 2 năm, bắt đầu từ tháng 7 năm 2020. Các hoạt động của dự án sẽ được diễn ra ở 7 tỉnh thành trong cả nước gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Dak Nong, Hà Nội và TPHCM. Các hoạt động phi lợi nhuận của dự án sẽ tập trung vào mục tiêu truyền thông, khám tầm soát cho trẻ và tập huấn cho các giáo viên tiểu học, mẫu giáo, phụ huynh học sinh và nhân viên y tế để giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu về các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa. Bên cạnh đó là các giải pháp tầm soát sớm, chữa trị căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em.